Giá trị kinh tế cao từ mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ ở Hưng Yên

Giá trị kinh tế cao từ mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ ở Hưng Yên

Nuôi ghép cá trắm cỏ trong ao đang là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân ở Hưng Yên. Đây cũng là mô hình góp phần tạo đà cho nông dân Hưng Yên mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, giá trị kinh tế trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản.

Giá trị kinh tế cao từ mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ ở Hưng Yên ảnh 1Kỹ thuật viên của Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn các hộ kỹ thuật nuôi ghép cá chép. Ảnh: baohungyen.vn

Mô hình đang được Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên triển khai với quy mô 3 ha tại 6 hộ thuộc các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động, Văn Lâm và thị xã Mỹ Hào. Đơn vị này đã tổ chức tập huấn kỹ thuật giúp nông dân tiếp thu và nắm bắt kỹ thuật áp dụng vào thực tế đạt kết quả cao trong nuôi trồng thuỷ sản. 

Trong thời gian nuôi thả cá, việc chăm sóc, quản lý môi trường ao nuôi được cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn quy trình kỹ thuật về quản lý ao nuôi, chăm sóc, phòng và trị bệnh cho cá. Các chủ hộ tham gia mô hình không sử dụng các thiết bị, hóa chất, dụng cụ có thể gây hại cho cá. Chế phẩm sinh học, hóa chất sử dụng để cải thiện môi trường ao nuôi được sử dụng đúng liều lượng và không nằm trong danh mục cấm sử dụng trong nuôi thả thủy sản.

Thức ăn hỗn hợp cho cá ăn, thuốc phòng bệnh, chế phẩm sinh học được chọn mua từ cơ sở sản xuất có uy tín, đã được cấp phép và nằm trong danh mục được phép lưu hành. Ngoài thức ăn hỗn hợp, chủ hộ tham gia mô hình còn sử dụng thức ăn tự chế biến như: ngô, thóc ủ mầm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Nhờ vậy, trong quá trình nuôi cá sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ cá sống đạt 74% (yêu cầu của mô hình là 70%).

Ông Phạm Văn Bảng ở thôn Phù Oanh, xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ cho hay, với sản lượng ước đạt 22 tấn/ha (vượt yêu cầu của mô hình 9,4 tấn/ha), thu nhập hạch toán ước đạt ở thời điểm 8 tháng nuôi là 132 triệu đồng/ha. Tuy con số này thấp hơn so với các năm chưa có dịch COVID-19 nhưng vẫn ở mức cao hơn hẳn so với các ngành sản xuất nông nghiệp khác. Mặt khác, do cá chưa đạt kích cỡ thương phẩm loại 1 nên giá bán hạch toán ở thời điểm hiện tại là thấp, chính vì vậy nếu tăng thời gian nuôi thì cá trắm cỏ đạt kích cỡ loại 1 sẽ bán với giá cao hơn và cho giá trị kinh tế cao hơn.

Theo bà Vũ Thị Nga ở thôn Cẩm Quan, xã Cẩm Xá, huyện Mỹ Hào, cá trắm cỏ nuôi ghép với các đối tượng cá truyền thống rất phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Cá trắm cỏ có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, đây là loại cá dễ nuôi, ít bị bệnh.

Bà Nga cũng cho biết thêm, nguồn thức ăn cho cá rất phong phú, tận dụng được các phụ phẩm từ nông nghiệp. Chính vì vậy đã giảm được chi phí đầu tư trong quá trình nuôi. Nuôi ghép còn tận dụng được tầng sống, tầng thức ăn, quá trình nuôi ít có dịch bệnh nghiêm trọng, quản lý đơn giản. Thịt cá thơm ngon, là nguồn đạm động vật dễ sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Ông Lương Văn Cao, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên khẳng định, mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ trong ao nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi thủy sản về ảnh hưởng từ quá trình nuôi tác động đến môi trường, qua đó giúp người nuôi có ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, giảm các hóa chất độc hại tồn dư trong nước ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Bên cạnh đó, mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ trong ao giúp người chăn nuôi thủy sản khắc phục những vướng mắc về kỹ thuật sử dụng thuốc, thức ăn trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra còn giúp các hộ chăn nuôi thủy sản khác trong vùng được tham quan, chia sẻ các thông tin, áp dụng sản xuất theo quy trình nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí, tăng hiệu quả chăn nuôi thủy sản và sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường.

Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên cũng khẳng định, muốn nuôi ghép cá trắm cỏ thành công thì cần phải nắm bắt được khoa học kỹ thuật, quan tâm đến chất lượng con giống, đặc biệt phải quản lý tốt môi trường nuôi và có điều kiện kinh tế đầu tư.

Mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ trong ao khẳng định được đường lối đúng đắn về phát triển nông nghiệp hàng hoá vừa đảm bảo tăng năng suất, kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao và sản xuất ra lượng thực phẩm có giá trị cao đáp ứng được yêu cầu rộng lớn của thị trường. Sự thành công của mô hình góp phần thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp tỉnh Hưng Yên theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giá trị gia tăng cao, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, theo nhiều hộ chăn nuôi, việc áp dụng sản xuất quy trình nuôi cá trắm cỏ theo tiến bộ kỹ thuật mới, tiên tiến trong điều kiện sản xuất hiện nay là khó khăn, bởi trình độ nuôi của nông dân còn hạn chế, cơ sở hạ tầng, cơ sở nuôi chưa đảm bảo trong khi quy trình này đòi hỏi phải có nhiều chương trình quản lý, hồ sơ, biểu mẫu ghi chép. Do đó, để áp dụng được quy trình nuôi cá trắm cỏ theo tiến bộ kỹ thuật mới, tiên tiến đại trà trong nuôi trồng thủy sản, cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ cơ quan chức năng, tư vấn trong việc cung cấp con giống đảm bảo chất lượng, tư vấn kỹ thuật nuôi cho bà con nông dân.

Đỗ Huyền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm