Giá trị giáo dục từ nghi lễ Thủm Cuổn của người Sán Chỉ

Giá trị giáo dục từ nghi lễ Thủm Cuổn của người Sán Chỉ
Phụ nữ Sán Chỉ thêu dệt trang phục. Ảnh: Phương Mai
Phụ nữ Sán Chỉ thêu dệt trang phục. Ảnh: Phương Mai
Mục đích của nghi lễ là cất bỏ bàn thờ bà Chấu Nhàng và đặt tên âm cho trẻ từ nay trẻ sẽ là thành viên trong gia đình, dòng tộc. Lễ Thủm Cuổn là cuộc chuyển giao mang tính giáo dục về mặt tinh thần để bé trai ý thức được làm người đàn ông trưởng thành cần có: đức, tài, trí, dũng, lo cho cuộc sống gia đình, chăm lo dòng tộc mai sau. 

Lễ Thủm Cuổn có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và giá trị giáo dục, đây là vấn đề trọng yếu giáo dục cho trẻ trở thành người chủ trong tương lai. Giá trị giáo dục thể hiện trong nghi lễ. Theo các cụ truyền lại: Thanh La hai chiếc (gọi là Pỏ Lò), một chiếc to treo bên trái đàn, tượng trưng cho vị thần mặt trời; còn chiếc nhỏ tượng trưng cho người con. Trống 2 chiếc, trống to tượng trưng cho mặt Trăng, vợ của mặt Trời; trống nhỏ tượng trưng cho người con. Chũm chọe 2 chiếc, chũm chọe đực, tượng trưng cho đàn ông, chũm chọe cái tượng trưng cho đàn bà. Bộ chùm chuông xóc, tượng trưng cho cô gái xinh đẹp. Chiếc linh tượng trưng cho chiếc vú của bà sư tổ. Gươm 3 thanh. Một cây gậy đầu vót hình lưỡi đao đuôi nhọn (gậy thần), Ấn Ngọc Hoàng, Xích lình. 16 cuốn sách chữ tượng hình cổ của người Sán Chỉ. Người thụ lễ phải học thuộc hết các chữ thành trong những cuốn sách này. Nong lúa nếp bông có lá chuối tươi xé nhỏ rải lác đác qua trên, tượng trưng là nhà của tổ sư ở trong rừng thẳm. Trong quá trình hành lễ, các đạo cụ phối hợp sử dụng nhịp nhàng, thể hiện vai trò của từng đạo cụ trong cuộc lễ. 

Về sự tích của các đạo cụ và nguồn gốc của nghi lễ Thủm Cuổn, các bậc cao niên kể rằng: Ngày xưa, có thiếu nữ mười tám tuổi xinh đẹp đi chợ, đầu nàng đội một đĩa bạc sáng lấp lánh như vầng trăng; trâm cài đầu có chùm chuông bạc, quanh đầu hàng cặp sáng lấp lánh được phủ một tấm khăn trắng mỏng; đôi hoa tai bạc có ngọn tháp đúc trong xinh xắn. Nàng mặc bộ quần áo đen viền đỏ với các tua hoa sặc sỡ rủ xuống ngực, xuống lưng như tia nắng mặt trời. Miệng nàng ăn trầu, môi đỏ như con luốm (muỗm) cánh dài... Nàng bước đi hai chùm chuộng gắn sau gáy, trên đầu kêu leng keng. Dáng nàng dong dỏng cao, bờ vai xuôi, mắt đen sáng như sao. Nàng đi qua đầu chợ ai cũng tấm tắc khen xinh đẹp, duyên dáng. Khi nàng đi đến chợ, các chàng trai ngẩn ngơ nhìn ngỡ tiên trời giáng xuống. Có chàng trai tuấn tú tuổi đôi mươi, vai ngang to như cánh cửa, đầu cuốn vành khăn tròn trĩnh như cái nia, đang ngồi uống rượu cùng các bạn, thấy nàng đi qua, chàng cất tiếng hát chào và mời nàng uống rượu. Sau một hồi đối đáp, nàng đã nhận rượu từ tay chàng trai. Rượu vào lời ra, họ uống với nhau mắt liếc đưa tình. Chàng trai đưa cô gái về nhà, chàng cầm dao, cầm búa đi tìm đất ở. Chàng chặt cây dựng nhà, phát nương làm rẫy, đắp bờ đưa nước về làm ruộng; người vợ ở nhà canh giữ bếp lửa, sinh con, dệt vải... Những đứa con sinh ra như măng rừng đội đất là lên, chúng nghịch ngợm đuổi nhau cười vang núi, vang khe.

Thấy phải răn dạy con cái để chúng biết ăn ở và giúp cha mẹ làm ăn, nên khi các con trai lớn sắp trưởng thành, hai vợ chồng đã mời mọi người đến giúp khuyên bảo và gọi đó là lễ Thuổm Cuổn. Thấy gia đình vợ chồng này nuôi dạy con cái tốt, các con họ biết thương yêu cha mẹ, đùm bọc giúp đỡ nhau..., mọi người làm theo, họ cũng mời thầy đến tổ chức lễ Thủm Cuổn cho con trai khi đến tuổi trưởng thành. Từ đó, tục Thuổm Cuổn được người Sán Chỉ lưu truyền trong cuộc sống. Bà Mẫu này gọi là Mẹ Tuốn trông nom hoạn nạn cho các con, khi mất bà biến thành cái Trống - hiện thân của mặt Trăng. Người cha mất biến thành Pỏ lò - chiếc Thanh La, tượng trưng cho mặt Trời. 

Mở đầu nghi lễ Thủm Cuổn là tiết mục múa của vị thần mặt Trời và vị thần mặt Trăng. Một người đàn ông cầm Thanh La đánh và một người đàn bà cầm trống múa vờn quấn quýt bên nhau, mô phỏng cuộc hội ngộ của cuộc tình giữa hai vị mặt Trời và mặt Trăng. Các động tác uyển chuyển, nhịp nhàng bộ gõ được hòa tấu tưng bừng, thể hiện niềm hân hoan của vạn vật trong cuộc lễ.

Trong lễ Thủm Cuổn sau khi đã tẩy uế ở trong nhà, người thụ lễ được đưa lên Ngũ Đài dựng bên ngoài nhà. Ngũ Đài tượng trưng là lưng con rồng (con của Thánh Mẫu cưỡi rồng từ trên trời về trái đất). Từ trên Ngũ Đài, người ta làm các thủ tục và dặn người thụ lễ khi thực hiện mục rơi từ trên Ngũ Đài xuống dưới đất vẫn giữ nguyên được tư thế của người nằm co, hai tay ôm gối, mười ngón tay đan vào nhau, hai ngón tay cái đặt chạm vào hai ngón chân cái, mắt nhắm nghiền. Ở dưới Ngũ Đài, các trẻ em cùng trang lứa túm lại chăng tấm lưới đan bằng dây rừng, trong lưới có rải tấm chăn để khi người thụ lễ rơi xuống tấm chăn và lưới sẽ được che đậy lại tượng trưng là bọc bào thai, trên bọc đặt một bát nước dùng để tẩy uế.  Động tác rơi từ trên Ngũ Đài xuống thể hiện sự giáng sinh của người thụ lễ (được sinh ra ở bên cõi âm).

Các thầy thực hiện nghi lễ đón người giáng sinh đi vòng quanh Ngũ Đài và người thụ lễ, sau đó thầy Slay nhậy kiểm tra xem tư thế nằm của người thụ lễ có đúng như cũ không rồi tẩy uế. Một đoàn khác từ nhà lên Ngũ Đài, có bà Chấu Nhàng, cùng Tua Ròng và một em nhỏ lưng cõng em bé giả, tay cầm ô che (tượng trưng cõng bé từ Ngũ Đài về nhà), Tua Ròng - vị thần xua tà quỷ làm các động tác bắn cung lên Ngũ Đài (mở cửa trời) chặt võng (phá bọc thai)... Bà Chấu Nhàng cùng đoàn đi vòng quanh Ngũ Đài rồi dùng dao chặt vào chân cột Ngũ Đài (phá Ngũ Đài, con trẻ về trần gian). Các thầy cho người thụ lễ uống nước và ăn cơm thịt (trẻ sinh ra được ăn uống)... Sau các nghi lễ, người thụ lễ được đưa về nhà tiến hành nghi lễ đặt tên âm và Thủm Cuổn. Tên âm của người thụ lễ viết vào giấy hai bản, một bản hóa lửa cho tổ sư và thánh thần, một bản lưu để đến khi già mãn sẽ hóa lửa về với tổ tiên, có bản giấy này tổ tiên mới nhận biết con cháu dòng tộc. Đây là vấn đề cốt lõi của nghi lễ Thủm Cuổn. Người Sán Chỉ quan niệm người Thủm Cuổn mới được tổ tiên bên cõi âm công nhận là người trưởng thành và thực hiện việc thờ cúng tổ tiên, dòng tộc, đến khi chết mới được về với tổ tiên.

Lễ Thủm Cuổn của người Sán Chỉ ngoài yếu tố tâm linh còn mang giá trị giáo dục thiết thực, góp phần gìn giữ các sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc. Nghi lễ Thủm Cuổn là một trong những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống có giá trị về nhiều mặt cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm