Giá thép tăng mạnh trước ngày áp thuế

Giá thép tăng mạnh trước ngày áp thuế
Tăng do nhu cầu và mua hàng tích trữ
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện giá nguyên vật liệu để sản xuất thép như phôi thép, thép phế... đều tăng so với đầu năm 2016. Cụ thể, giá thép phế đã tăng từ 15-20 USD/tấn (tăng khoảng 10%). Trong khi đó, giá phôi thép tăng 10-15 USD/tấn, (tăng khoảng 8%). Điều này khiến giá thép thành phẩm phục hồi từ đầu tháng 2 tới nay.
Khảo sát trên thị trường, giá bán thép tại các cửa hàng trên phố Đê La Thành đã tăng khá mạnh so với năm 2015. Theo chị Thu Hương, chủ một cửa hàng sắt thép, lượng hàng tiêu thụ thời gian gần đây tăng cao, khoảng 20% so với năm ngoái. Giá bán thép trên thị trường (ngày 18/3) dao động khoảng 12,4 - 12,6 triệu đồng/tấn. Trong khi chỉ trước đó vài ngày, giá thép chỉ 10,3 - 10,7 triệu đồng/tấn.
Một nguyên nhân khác được các chủ hàng nhận định là sắp tới giá bán thép sẽ bị áp thuế tự vệ tạm thời, phát sinh tâm lý lo ngại giá nhập hàng đầu vào sẽ bị đẩy lên cao, nên nhiều cửa hàng đã mua tích trữ hàng từ những tuần trước.
Áp thuế tự vệ không quá 200 ngày
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, trước thời điểm công bố về áp thuế tự vệ tạm thời, giá thép 2 tháng đầu năm 2016 đã tăng nhẹ do nhu cầu xây dựng trong nước tốt. Sản xuất, tiêu thụ thép dài vẫn giữ được mức sản lượng khá cao. Cụ thể, sản xuất các sản phẩm thép của doanh nghiệp thành viên hiệp hội đạt gần 1,17 triệu tấn, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2015; bán hàng sản phẩm thép đạt gần 919 nghìn tấn, tăng hơn 70% so với cùng kỳ 2015.
Giá thép tăng mạnh trước ngày áp thuế ảnh 1
Giá thép trên thị trường tăng cao trước ngày áp thuế tự vệ.
Ảnh: Huy Hùng – TTXVN
Ông Sưa cũng cho hay, trong 2 tháng tới, khi bước vào mùa khô, nhu cầu thép xây dựng sẽ tiếp tục tăng trưởng, cùng với tâm lý tích trữ, đầu cơ do việc áp thuế tự vệ thương mại, dự kiến giá thép sẽ tiếp tục tăng nhẹ.
Hiệp hội Thép Việt Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và thép dài trong nước một cách ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, để bình ổn thị trường thép trong nước.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục hợp tác với các cơ quan nhà nước và hiệp hội, cung cấp thêm các chứng cứ, tài liệu, số liệu sản xuất kinh doanh... nhằm đánh giá tổng thể về vụ việc để có kết luận cuối cùng của Bộ Công Thương. Điều này sẽ giúp đưa ra kết luận có lợi cho các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu trong ngành thép.
Trước đó, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau với mức áp thuế cho phôi thép là 23,3% và thép dài là 14,2%. Thời gian biện pháp tự vệ tạm thời có hiệu lực từ ngày 22/3 và không quá 200 ngày...
Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được Bộ Công Thương đưa ra khi hàng loạt các doanh nghiệp lớn trong ngành thép như Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Thép Việt Ý đã đồng loạt gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về tình trạng phôi thép giá rẻ nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm