Già làng Pờ Á Sinh - “cột mốc sống” nơi biên cương Tổ quốc

Già làng Pờ Á Sinh - “cột mốc sống” nơi biên cương Tổ quốc
Hơn 60 năm từ khi những bước chân nguời Hà Nhì đến đây lập bản, mảnh đất nơi biên cương cực Tây Tổ quốc Mường Nhé (Điện Biên) đang từng ngày khởi sắc, đổi thay. Sự no ấm, trù phú, bình yên đã và đang hiện hữu trên từng nếp nhà, những con đường dẫn về bản làng. Để có được kết quả đó, ngoài nỗ lực chung của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn còn có đóng góp không nhỏ của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng như ông Pờ Á Sinh (bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé). 
Già làng Pờ Á Sinh thường xuyên bồi dưỡng kiến thức về chính sách pháp luật để tuyên truyền cho bà con bản làng. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN
Già làng Pờ Á Sinh thường xuyên bồi dưỡng kiến thức về chính sách pháp luật để tuyên truyền cho bà con bản làng. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN

Bên hiên căn nhà trình tường, tạm ngừng việc “nghiền ngẫm” những cuốn sách về Luật Biên giới quốc gia, Quy chế biên giới đất liền, hương ước, nội quy của bản làng, ông Pờ Á Sinh cho biết: Biên giới quốc gia là điều thiêng liêng. Sín Thầu là địa bàn chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh nên công tác gìn giữ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây. Nhận thức được nhiệm vụ quan trọng này, những năm qua, với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng, ông đã cùng người dân trong xã xác định phải gắn phát triển kinh tế - xã hội với công tác gìn giữ, bảo vệ đường biên, mốc giới.

Ông đã vận động, tuyên truyền người dân trong bản, xã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền vận động 9 hộ đăng ký tham gia tự quản 22,5 km đường biên, 10 cột mốc trên cả hai tuyến biên giới Việt-Trung và Việt-Lào.
         
Một ngày mới bắt đầu, ông Pờ Á Sinh dọn dẹp nhà cửa, cho gia súc, gia cầm ăn... Sau đó, ông tự nấu nước, pha một ấm trà để ngồi nghe đài, đọc sách báo và ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ riêng. Trừ những hôm phải ra đồng, chăm sóc ruộng vườn, ông sẽ đi thăm các gia đình trong bản, kết hợp nắm bắt tình hình lao động, sản xuất và tâm tư, nguyện vọng của bà con…

Già làng Pờ Á Sinh là người đi đầu trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng đường xóm xanh, sạch đẹp ở bản làng. Ảnh: Văn Dũng – TTXVN
Già làng Pờ Á Sinh là người đi đầu trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng đường xóm xanh, sạch đẹp ở bản làng. Ảnh: Văn Dũng – TTXVN

Trong các công việc chung của bản, xã như xây dựng nông thôn mới, ông Sinh nhiệt tình tham gia vận động người dân đóng góp ngày công xây dựng công trình dân sinh, hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn... Hằng tuần, ông Sinh sắp xếp thời gian tới các bản, làng khác tìm gặp già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín để trao đổi kinh nghiệm nhằm phục vụ công tác vận động, tuyên truyền nhân dân, qua đó, góp phần gắn kết hơn tình đoàn kết giữa các bản làng.

Phó trưởng bản Tả Kố Khừ Mạ Sàn Hoa cho biết: Ông Pờ Á Sinh là một trong số hơn 1.400 già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Là cán bộ, đảng viên đã nghỉ hưu nhưng gần 10 năm qua, ông Pờ Á Sinh đã phát huy kinh nghiệm trong quá trình công tác, truyền thống cách mạng của dân tộc Hà Nhì luôn gương mẫu, đi đầu chấp hành và tuyên truyền, vận động gia đình, quần chúng nhân dân thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hương ước của bản làng…

Ông thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, bản và đặc biệt là kết hợp với Đồn Biên phòng A Pa Chải trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng các mô hình hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập người dân, gắn với đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Cùng với việc tham gia các hoạt động xã hội, già làng Pờ Á Sinh còn xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình có hiệu quả. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN
Cùng với việc tham gia các hoạt động xã hội, già làng Pờ Á Sinh còn xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình có hiệu quả. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN

Nhiều năm qua, bằng mọi hình thức thu thập thông tin liên quan đến đường biên, cột mốc và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới từ người thân quen, ông Pờ Á Sinh đã cung cấp hàng chục tin có giá trị cho Đồn Biên phòng A Pa Chải. Từ đó, giúp cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, giải quyết tốt các vấn đề xảy ra trong khu vực biên giới và địa bàn xã.

Bằng kinh nghiệm và vốn hiểu biết, ông Sinh trở thành cầu nối chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào đến với cấp ủy, chính quyền các cấp. Đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy phong tục tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc mình, từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan…

Sín Thầu là xã biên giới, diện tích tự nhiên gần 16.600 ha, nằm ở phía cực Tây Tổ quốc, có đường biên giới quốc gia dài hơn 40km và 15 cột mốc (trong đó tuyến biên giới Việt - Trung dài 19,5 km với 7 cột mốc; tuyến biên giới Việt - Lào dài 21km với 7 cột mốc và cột mốc số 0 nằm trên đỉnh Khoan La San cao hơn 1.860 mét so với mực nước biển). Vùng đất này có ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Trung Quốc, được ví là vùng đất “một tiếng gà gáy, ba nước cùng nghe”. Toàn xã có 7 bản với 310 hộ, gần 1.400 nhân khẩu, trong đó người dân tộc Hà Nhì chiếm hơn 96%, còn lại là các dân tộc anh em khác.

Ông Pờ Chinh Phạ, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé cho biết: Với đồng bào người Hà Nhì, ông Sinh trở thành “thủ lĩnh” tinh thần từ nhiều năm qua, bởi đã đóng góp công sức không nhỏ trong việc chung tay vận động người dân xóa bỏ hủ tục, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, bảo vệ đường biên, cột mốc. Ông Sinh là “hạt nhân” tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất phên dậu Tổ quốc.
         
Văn Dũng-Hải An 
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm