Già làng A Lăng Nhứch - Đôi chân không mỏi nơi phên dậu quốc gia

Già làng A Lăng Nhứch - Đôi chân không mỏi nơi phên dậu quốc gia
Với 64 tuổi đời, 32 tuổi đảng, cũng là bấy nhiêu năm già làng A Lăng Nhứch, dân tộc Giẻ Triêng, ở xã Chơ Chun, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam gắn bó với từng ngọn núi, con sông, từng cành cây, viên đá, từng cột mốc, đường biên đánh dấu chủ quyền biên giới quốc gia.
Chân dung già làng A Lăng Nhứch. Ảnh: Hữu Trung - TTXVN
Chân dung già làng A Lăng Nhứch. Ảnh: Hữu Trung - TTXVN
Ông là một trong những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Cán bộ, chiến sĩ ở Đồn Biên phòng La Êê trìu mến gọi ông là già làng với đôi chân không mỏi nơi phên dậu quốc gia, nơi có đường biên giới hòa bình, hữu nghị giữa huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Koong (Lào) và huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam (Việt Nam).

Chúng tôi gặp ông sau những ngày ông cùng cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê về tận các bản làng vùng sâu vùng xa, biên giới giữa hai huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Koong) và huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) để vận động bà con ở vùng biên giới không xâm canh, xâm cư, không kết hôn cận huyết thống, không làm tổn hại các cột mốc nơi đường biên. Già làng A Lăng Nhứch tâm sự, được dân bản tín nhiệm, được cấp trên công nhận là người có uy tín, bản thân ông xác định đó là vinh dự, đồng thời là trách nhiệm hết sức nặng nề. Ông luôn trăn trở cần làm gì để kết nối, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, gắn bó với lực lượng Biên phòng để xây dựng thế trận lòng dân nơi biên cương Tổ quốc. "Tôi cùng gia đình, bà con luôn giúp đỡ Bộ đội Biên phòng, nhà tôi cũng là nhà của anh em. Đôi chân của tôi luôn song hành cùng nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trên từng chặng đường biên, cột mốc, từng bản làng của người Việt, người Lào suốt mấy chục năm qua", già làng A Lăng Nhứch bộc bạch.

Gắn bó với già làng A Lăng Nhứch, Trung tá Bùi Đức Hạnh, Trưởng ban Vận động quần chúng - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Với già làng A Lăng Nhứch, những chủ trương, việc làm của Bộ đội Biên phòng như phong trào quần chúng tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản; phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giải quyết những bất đồng trong nội bộ nhân dân… ông đều tích cực tham gia, tham mưu và phối hợp thực hiện có hiệu quả. Bằng những việc làm cụ thể của mình, già làng A Lăng Nhứch đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, giữ vững bình yên bản làng. Bà con dân bản không có ai vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tinh thần cảnh giác của đồng bào được nâng cao. Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới ngày một tốt hơn. Thế trận lòng dân, nền biên phòng toàn dân không ngừng được củng cố và phát triển. Già làng A Lăng Nhứch thật sự là chỗ dựa của lực lượng Biên phòng nơi phên dậu quốc gia.

Già làng A Lăng Nhứch và các cán bộ, trưởng bản trao đổi kinh nghiệm. Ảnh: Hữu Trung - TTXVN
Già làng A Lăng Nhứch và các cán bộ, trưởng bản trao đổi kinh nghiệm. Ảnh: Hữu Trung - TTXVN

Không chỉ tích cực trong công tác xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, già làng A Lăng Nhứch còn là tấm gương trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, làm hình mẫu cho bà con thôn bản noi theo. Được sự giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật, cách thức sản xuất của của cán bộ Đồn Biên phòng La Êê, già làng A Lăng Nhứch luôn cố gắng áp dụng các hình thức phát triển kinh tế như khai hoang và trồng lúa nước, trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, dê… nên đến nay làm được nhà cửa khang trang, có của ăn, của để, con cái được học hành đầy đủ, có việc làm ổn định.

Ngoài việc làm giàu cho bản thân, già làng A Lăng Nhứch còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật, giúp đỡ cây giống, vật nuôi cho bà con; giúp bà con thôn A Sò, xã Chơ Chun cải tạo hơn 3 hecta ruộng bậc thang, vận động bà con tích cực sản xuất nên đến nay 50 hộ đồng bào ở vùng sâu vùng xa của thôn A Sò đã thoát được đói, giảm được nghèo, nhiều gia đình khá giả. Bộ mặt thôn bản ngày một khang trang, sạch đẹp. Các cháu đều được đến trường, đến lớp, không còn ai mù chữ.

Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, với uy tín và những việc làm cụ thể của mình, các già làng, trưởng bản và người có uy tín nói chung, già làng A Lăng Nhứch nói riêng còn là cầu nối trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị. Thông qua việc qua lại thăm hỏi lẫn nhau, thực hiện chương trình kế nghĩa thôn - bản, nghĩa tình sâu nặng của bà con ở hai bên biên giới không ngừng được vun đắp và gìn giữ. Chính vì vậy, nhiều năm liền, ở vùng biên giới giữa hai huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Koong (Lào) và huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) không có tình trạng xâm canh, xâm cư, không di cư ngoài kế hoạch. Người Việt, người Lào là anh em thân thiết, cùng xây dựng mối quan hệ hai bên biên giới như xây dựng gia đình mình, bản làng mình.

Với uy tín và những việc làm cụ thể của mình có sức lan tỏa đến cộng đồng, già làng A Lăng Nhứch là một trong bốn đại diện tiêu biểu được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam chọn đi dự Hội nghị biểu dương Người có uy tín, tiêu biểu trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, khu vực tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào giai đoạn 2009-2018, diễn ra vào ngày 28/9 tại tỉnh Quảng Trị.
 
             Đoàn Hữu Trung
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm