Gia Lai ưu tiên xây nhà tiêu hợp vệ sinh cho nhà trường và trạm y tế

Gia Lai ưu tiên xây nhà tiêu hợp vệ sinh cho nhà trường và trạm y tế
Thực hiện chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch” (RB-SupRSWS), đầu năm 2016, Gia Lai là địa phương có xuất phát điểm thấp nhất trong khu vực Tây Nguyên khi có tỉ lệ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ đạt 43%, tỉ lệ bao phủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trạm y tế đạt 83%, tỉ lệ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh trong trường học ở mức khá khiêm tốn với 51%. Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện chương trình RB-SupRSWS, toàn tỉnh hiện mới có hai xã đạt vệ sinh toàn xã và đang phấn đấu đến cuối năm 2019 có thêm 7 xã đạt vệ sinh toàn xã.
Năm 2019, tỉnh Gia Lai tiếp tục thực hiện chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả” tại 7 xã là KDang (huyện Đắk Đoa), Ia Hrú (huyện Chư Pưh), Đak Taley (huyện Mang Yang), Ia Blang (huyện Chư Sê), Ayun Hạ (huyện Phú Thiện), Ia Dom, Ia Krêl (huyện Đức Cơ). Qua khảo sát, tỉ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh tại các xã trên còn khá thấp, trung bình 53,8%, trong khi yêu cầu phải đạt trên 70%. Theo kế hoạch, Gia Lai sẽ dành trên 2,5 tỷ đồng vốn sự nghiệp cho thực hiện truyền thông thay đổi hành vi và trên 4,5 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển để thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà vệ sinh, công trình cấp nước cho 17 trạm y tế.

Bên cạnh đó, Gia Lai tổ chức nhiều hoạt động như tập huấn về kiến thức và kỹ năng truyền thông về nhà tiêu hợp vệ sinh cho cán bộ nòng cốt tuyến huyện, tuyến xã và cộng tác viên; hỗ trợ các hoạt động tiếp thị vệ sinh cho 7 xã; tổ chức và thực hiện hoạt động truyền thông thay đổi hành vi về vệ sinh; giám sát và đánh giá tiến độ của các hoạt động vệ sinh; phối hợp với các bên liên quan; cung cấp hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát kỹ thuật cho cấp huyện và xã trong thực hiện các hoạt động vệ sinh...

Ông Đinh Hà Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai đề nghị, để chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch ” được thực hiện đúng kế hoạch đề ra, các Sở, ban, ngành và các địa phương cần phối hợp chặt chẽ, trong đó ưu tiên hàng đầu là nhà tiêu hợp vệ sinh cho nhà trường và trạm y tế.

“Phải cố gắng xây dựng các nhà tiêu hợp vệ sinh không sai so với tiêu chí mà chương trình đưa ra để tránh trường hợp thẩm định không đạt yêu cầu; phấn đấu từ nay đến cuối năm, Gia Lai sẽ xây dựng được 1.000 nhà tiêu cải thiện, đưa 7 xã trong kế hoạch đạt vệ sinh toàn xã”, ông Nam nhấn mạnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, mặc dù chương trình RB-SupRSWS bắt đầu được triển khai trên cả nước từ năm 2016, song do thiếu kinh phí nên trong hai năm 2016 và 2017, tỉnh không thể thực hiện chương trình. Năm 2018, có 9 xã thuộc 7 huyện trên địa bàn được triển khai, với tổng kinh phí trên 1,6 tỉ đồng, trong đó có trên 1,3 tỉ từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) nhưng chỉ có 2 xã đạt tiêu chuẩn vệ sinh toàn xã là xã Ia Hrung (huyện Ia Grai) và xã Đắk Yă (huyện Mang Yang).

Trong năm 2018, bên cạnh Hội nghị triển khai thực hiện chương trình RB-SupRSWS cấp tỉnh, Gia Lai đã tổ chức tập huấn về truyền thông thay đổi hành vi và phát triển thị trường vệ sinh cho gần 30 cán bộ tỉnh, huyện, trên 300 cán bộ xã và tuyên truyền viên; thành lập 2 điểm bán hàng cho các xã tham gia chương trình; đào tạo, hướng dẫn cho trên 220 nhân tố tư nhân; nâng cao năng lực tuyên truyền cho gần 1.100 người. Nhờ đó, tăng tỉ lệ bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh lên 54,5%, tỉ lệ trường học tại xã vùng nông thôn sử dụng nước sạch đạt 79,1% và 68,9% trường học tại xã vùng nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Dù vậy, theo đánh giá của các địa phương cũng như các ban, ngành trong tỉnh Gia Lai, việc thực hiện chương trình RB-SupRSWS vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Ngọc Phận - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết, trên địa bàn huyện có 40 thôn, làng đặc biệt khó khăn, 2 xã vùng I và 6 xã vùng II. Tỉ lệ hộ gia đình có nhà tiêu trên địa bàn đạt 70,5%, riêng các vùng nông thôn đạt 65%. Tuy nhiên, do tập tục đi vệ sinh của người dân bản địa, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số còn dựa vào thiên nhiên nên việc thay đổi thói quen này gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đa số người dân trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, người nghèo còn lại đa phần không có khả năng thoát nghèo, trong khi hỗ trợ từ chương trình RB-SupRSWS chỉ 50 USD (khoảng 1,1 triệu đồng) cho một nhà vệ sinh là quá thấp để bà con tham gia. Về nước sạch, huyện đã được chương trình đầu tư một công trình nước sạch tại xã biên giới Ia Dom với tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng, trong đó có 450 triệu đồng là vốn đối ứng. Tuy nhiên, đời sống kinh tế của bà con còn thấp khiến quá trình vận động vốn đối ứng gặp khó khăn.

“Năm 2019, chúng tôi có xã Ia Dom được chọn tham dự chương trình RB-SupRSWS, song người dân khó có kinh phí để làm nhà vệ sinh hợp quy chuẩn. Chính quyền địa phương đang hướng dẫn và tuyên truyền người dân các cách làm nhà vệ sinh mới như đào hố, lợp tấm đan… Trong năm nay, chúng tôi cũng dự kiến làm được 700 cái”, ông Trần Ngọc Phận cho biết thêm.

Có cùng quan điểm, bà Rơ Chăm H’Hồng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai cũng cho rằng, việc hỗ trợ kinh phí 1,1 triệu đồng cho một nhà vệ sinh là quá thấp, bởi nếu tiết kiệm nguyên liệu, xây dựng một nhà vệ sinh đảm bảo ít nhất cũng tiêu tốn khoảng 3,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, những hộ tham dự chương trình RB-SupRSWS đều là hộ nghèo, cận nghèo nên việc yêu cầu người dân bỏ tiền ra xây dựng nhà vệ sinh trước rồi mới tiến hành thẩm định, hỗ trợ kinh phí là bất khả thi.

“Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai đang phối hợp cùng các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chị em phụ nữ làm nhà vệ sinh dội nước. Đồng thời, xây dựng mỗi chị em là một tuyên truyền viên đến với gia đình, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thay đổi hành vi, giữ gìn vệ sinh”, bà Hồng nhấn mạnh.

Bà Cao Thị Hà, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Sức khỏe, Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cho rằng, việc Gia Lai có xuất phát điểm thấp nhất tại khu vực Tây Nguyên khi thực hiện chương trình RB-SupRSWS, cùng với tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh cao khiến việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, phương pháp chọn mẫu nhà vệ sinh còn nhiều bất cập, bởi nếu chọn theo chủ đích thì gây ra tình trạng áp đặt, còn nếu chọn mẫu ngẫu nhiên thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng khi thẩm định. Bên cạnh đó, tiêu chí của chương trình là xây dựng nhà tiêu cải thiện nên không nhất thiết phải hợp chuẩn của Bộ Y tế. “Chương trình chủ yếu là tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi hành vi, các công trình nhà vệ sinh đảm bảo sẽ là mẫu để người dân nhìn vào, xây dựng và làm theo”, bà Cao Thị Hà phân tích.
Dư Toán
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm