Gia Lai triển khai các giải pháp cấp bách nhằm giảm thiểu đuối nước ở trẻ em

Gia Lai triển khai các giải pháp cấp bách nhằm giảm thiểu đuối nước ở trẻ em

Thời gian gần đây, mặc dù đã được cảnh báo liên tục nhưng tình trạng đuối nước ở trẻ em tại tỉnh Gia Lai vẫn diễn ra rất phức tạp. Nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra khiến nhiều em tử vong, đặc biệt vào dịp nghỉ hè, nghỉ lễ.

Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến ngày 27/6, toàn tỉnh xảy ra 17 vụ đuối nước làm 22 trẻ tử vong. Mặc dù số vụ đuối nước có giảm so với cùng kỳ năm trước, song số trẻ em tử vong do đuối nước lại tăng cao. Riêng từ ngày 1-27/6/2022, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra 5 vụ đuối nước tại các địa phương Chư Prông, Krông Pa, Chư Pưh khiến 7 trẻ tử vong. Đáng chú ý, các trường hợp tử vong đều do trẻ thiếu kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước, tự mình tìm đến ao, hồ, sông, suối chơi đùa, nghịch nước mà không có sự giám sát của người lớn. Bên cạnh đó, một số địa phương, chủ ao, hồ… chưa quan tâm cắm biển cảnh báo, rào chắn nơi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao đuối nước cho trẻ em.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, phụ huynh một nạn nhân tử vong do đuối nước ở xã Trà Đa, thành phố Pleiku chia sẻ, sự việc đáng tiếc xảy ra do gia đình không có điều kiện cũng như thời gian để đưacon đi học bơi hay học kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích.

Để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em, tỉnh Gia Lai triển khai nhiều giải pháp, trong đó, tỉnh chú trọng giáo dục kỹ năng mềm phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích cho trẻ em; đẩy mạnh phong trào toàn dân học bơi, phòng tránh đuối nước. Các giải pháp này hướng đến mục tiêu có 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước, qua đó, giảm 10% số trẻ tử vong do đuối nước vào năm 2025.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai Trần Ngọc Nhung cho rằng, thời gian qua, tình trạng đuối nước ở trẻ em trong cả nước và địa phương rất nghiêm trọng. Việc phát động Ngày hội toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước mang ý nghĩa quan trọng. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với việc tập luyện bơi, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đuối nước.

Toàn tỉnh hiện có hơn 451.000 trẻ em dưới 16 tuổi nhưng chỉ có hơn 27.000 trẻ biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước, biết sử dụng áo phao. Do đó, cùng với việc nâng cao nhận thức và dạy trẻ kỹ năng an toàn trong môi trường nước, mỗi gia đình cần quản lý chặt hơn nữa hoạt động vui chơi của trẻ nhất là dịp nghỉ hè, lễ, Tết…

Ông Võ Như Minh Quang, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ, ngành đã triển khai sâu rộng đến các địa phương mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”. Ngoài ra, nơi có ao hồ, sông suối, các địa phương chỉ đạo cắm biển cảnh báo... Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ em đến hồ bơi, cho con em mình vừa vui chơi vừa học được kỹ năng tự bảo vệ chính mình.

Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em là việc làm rất cần thiết, trong đó, trang bị kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước và tạo môi trường sống an toàn được xem là giải pháp quan trọng. Bởi vậy rất cần sự chung tay của toàn xã hội, các gia đình quan tâm hơn nữa trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ nhằm tránh tai nạn thương tích đáng tiếc có thể xảy ra, đặc biệt là tai nạn đuối nước.

Nguyễn Hoài Nam – Xuân Huy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm