Gia Lai: Tìm đầu ra cho cá tầm thương phẩm

Gia Lai: Tìm đầu ra cho cá tầm thương phẩm

Dự án nuôi cá tầm do Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Kbang làm chủ dự án có quy mô 10 lồng với 10.000 con tại hồ chứa C-thủy điện Vĩnh Sơn. Mỗi lồng có diện tích hơn 30 m2, bình quân thả 1.000 con/lồng. Trọng lượng cá khi thả mỗi con 60-70 g, giống Sterlet (A.Ruthenus). Tổng kinh phí đầu tư 4 tỷ đồng (vốn Nhà nước 50%, còn lại 50% là do 10 hộ dân tham gia dự án đóng góp). Dự án do Công ty cổ phần Hàng hải và Dầu khí Việt Xô chuyển giao kỹ thuật, tư vấn thị trường và thực hiện hợp đồng cung cấp giống cá tầm, bao tiêu sản phẩm theo chu kỳ thu hoạch.

Ảnh: Lê Nam
Ảnh: Lê Nam


Anh Chế Hiển Lê-kỹ sư nuôi trồng thủy sản, Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kbang cho biết: Kỹ thuật nuôi không quá phức tạp nhưng đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ theo quy trình như phải dùng máy đo oxy kiểm tra 5 giờ một lần bất kể ngày hay đêm để điều chỉnh lượng oxy cho phù hợp. Các yếu tố về độ trong của nước và lồng, bè phải di dời, luân chuyển để phù hợp với dòng nước…
 

Cá tầm là loại cá xương sụn, toàn bộ hệ thống xương của cá cũng như đầu cá đều cấu tạo từ sụn, thịt cá tầm trắng, dai, có vị béo ngậy, thành phần dinh dưỡng cao, dễ hấp thụ. Trứng cá tầm được các chuyên gia ẩm thực thế giới đánh giá là loại đặc sản hàng đầu, ngoài việc sử dụng như một loại thực phẩm cao cấp, nó còn được dùng để chế biến các loại mỹ phẩm. Đây là loại cá sống ở vùng nước lợ, nước ngọt, nước lạnh có nhiệt độ 17-26oC, sống ở vùng nước lạnh ôn đới. Hiện nhu cầu của thị trường về cá tầm ngày càng tăng, do vậy cá tầm ngày càng trở nên có giá trị kinh tế cao.

Sau một thời gian, cá được chọn lọc, phân loại theo trọng lượng và chia tách thành 20 lồng để đảm bảo cho việc phát triển. Qua 2 năm, cá tầm tương đối thích nghi với môi trường sống ở lòng hồ C và sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Võ Tấn Hưng-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kbang, chủ dự án, cho biết: Sau khi triển khai, tỷ lệ sống đạt 90%, tốc độ tăng trọng sau 1 năm, có con đã đạt trọng lượng 5 kg.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là đầu ra cho sản phẩm vì phía đơn vị bao tiêu sản phẩm là Công ty cổ phần Hàng hải và Dầu khí Việt Xô vẫn chưa thể giải ngân được nguồn vốn như đã ký hợp đồng. Hiện thị trường tiêu thụ đang rất nhỏ lẻ, chỉ tập trung ở một số nhà hàng trong và ngoài huyện. Trong khi hiện nay đang còn khoảng 40 tấn cá thương phẩm. Chính điều này đã gây khó khăn cho những hộ tham gia dự án vì chi phí bỏ ra ban đầu tương đối lớn và thức ăn cung cấp cho cá hoàn toàn là nhập khẩu. Hiện tại, bình quân mỗi ngày mất khoảng 6,5 triệu đồng tiền thức ăn. Anh Trương Hoài Tú (tổ dân phố 17, thị trấn Kbang)-một trong những hộ tham gia dự án cho biết: Nói chung khi chưa tiêu thụ được thì ai cũng lo nhưng có đơn vị dự án ở đây đứng ra bảo lãnh bảo đảm cho người dân và tích cực lo đầu ra, lo thức ăn và kỹ thuật nên cũng tương đối an tâm.
 

Ảnh: Lê Nam
Ảnh: Lê Nam


Trước vấn đề đó, Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện cũng đang tìm các biện pháp để tháo gỡ những khó khăn về đầu ra cho cá tầm. Ông Võ Tấn Hưng cho biết thêm: Nguồn để tiếp tục đầu tư cho cá hiện nay đang rất khó khăn. Đối tác chỉ cung cấp lượng thức ăn và trả tiền lương còn tiền mua sản phẩm họ chưa trả được. Khi sản phẩm làm ra nếu bán được ngay sẽ tạo động lực cho người dân, họ sẽ tiếp tục bỏ vốn đầu tư và mở rộng ra các lòng hồ khác chứ hiện nay tiêu thụ đang chậm trễ nên cũng có mặt tiêu cực. Chúng tôi sẽ phân loại và siêu âm cá cái sẽ đưa lên đầu nguồn của sông Ba để tạo hồ và nuôi lấy trứng, còn cá đực sẽ xuất khẩu trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng dự án, trong đó có đầu tư của Việt Xô trên hồ này và trên các hồ có khả năng để phấn đấu mỗi năm được khoảng 300 tấn qua hình thức nuôi lấy trứng và xuất khẩu. Khi lô hàng đầu tiên này được tháo gỡ sẽ tạo thông lệ và tạo điều kiện cho doanh nhân nước ngoài đầu tư vào đây. Đồng thời, chúng tôi tìm nguồn đầu tư phân phối cho các nhà hàng trong huyện và trong tỉnh.

Qua thực tế cho thấy, hồ C của thủy điện Vĩnh Sơn đã đáp ứng được các điều kiện để nuôi cá tầm, song còn một điều kiện rất quan trọng nữa là đầu ra cho sản phẩm lại đang khó khăn. Khi đầu ra được đảm bảo mới có cơ hội để mở rộng được quy mô và thu hút người dân trên địa bàn tham gia, tạo hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.

Báo Gia Lai

Có thể bạn quan tâm