Gia Lai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, gia đình chị Hnăp, hộ nghèo ở xã Glar, huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã được trao tặng một con bò cái sinh sản để nhân giống để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, gia đình chị Hnăp, hộ nghèo ở xã Glar, huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã được trao tặng một con bò cái sinh sản để nhân giống để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Theo báo cáo của Ban dân tộc tỉnh Gia Lai, thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổng số hộ cần hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh và định canh định cư giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn là hơn 20.000 hộ, kinh phí gần 550 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, tỉnh đã hỗ trợ cho gần 1.200 hộ, kinh phí hơn 42 tỷ đồng.

Gia Lai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc ảnh 1Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, gia đình chị Hnăp, hộ nghèo ở xã Glar, huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã được trao tặng một con bò cái sinh sản để nhân giống để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Đặc biệt, tỉnh xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm nhanh từ 11,36% năm 2015 (chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015), xuống còn 7,04% vào cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hằng năm hơn 5% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020).

Gia Lai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc ảnh 2Những chính sách giảm nghèo của tỉnh Gia Lai đã giúp bộ mặt nông thôn tại vùng dân tộc thiểu số ngày càng khang trang. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Là hộ nghèo, thu nhập của gia đình đều phụ thuộc vào mấy sào ruộng, năm 2019, gia đình chị Hnăp ở làng Dôr 1, xã Glar, huyện Đăk Đoa được các cấp chính quyền quan tâm tặng một con bò cái sinh sản. Hiện bò phát triển tốt, sắp tới có thể nhân giống để phát triển kinh tế.

Ông Bùi Quang Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Glar, huyện Đăk Đoa, cho biết, toàn xã có hơn 97% là người dân tộc thiểu số nên chính quyền địa phương luôn quan tâm thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc. Thời gian qua, nhờ thực hiện lồng ghép, đồng bộ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước, đời sống người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Các hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế như trao bò cái sinh sản, trao lợn giống, hỗ trợ giống lúa... để phát triển kinh tế. Hiện nay, xã Glar đã về đích nông thôn mới và đang trên đường xây dựng nông thôn mới nâng cao. Xã đã đạt 16/19 tiêu chí, dự kiến năm 2023 sẽ về đích nông thôn mới nâng cao.

Gia Lai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc ảnh 3Nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà đời sống người dân trên địa bàn huyện Đăk Đoa (Gia Lai) ngày càng tiến bộ. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Cũng theo Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, từ năm 2015 đến nay, dân di cư tự do đến địa phương là 840 hộ, trong đó có 455 hộ dân tộc thiểu số. Đa số dân di cư tự do là hộ nghèo ở các tỉnh phía Bắc vào, phân bố rải rác ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, địa điểm không tập trung. Với sự hỗ trợ của Trung ương cùng sự chỉ đạo kịp thời của tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, đến nay việc giải quyết tình trạng dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Tỉnh đã thực hiện 8 dự án, phương án bố trí dân cư, tổng kinh phí gần 90 tỷ đồng; trong đó có gần 1.500 hộ dân tộc thiểu số nghèo được hỗ trợ làm nhà ở với kinh phí hơn 56 tỷ đồng. Việc thực hiện các dự án bố trí dân cư đã góp phần ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc ảnh 4Những chính sách giảm nghèo của tỉnh Gia Lai đã giúp bộ mặt nông thôn tại vùng dân tộc thiểu số ngày càng khang trang. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Với gần 50% dân số là người dân tộc thiểu số, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, các thôn, làng ở xa trung tâm xã đã có điểm trường. Ngành chức năng quan tâm tới công tác bảo tồn chữ viết, tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, khoảng 500 học sinh người dân tộc thiểu số tại tỉnh học song ngữ Bahnar - Việt, Jrai - Việt. Mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, 77,5% xã, phường, thị trấn đã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 80% trạm y tế xã có bác sĩ, 100% cơ sở điều trị cơ bản đảm bảo đủ thuốc chủ yếu để điều trị theo quy định.

Gia Lai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc ảnh 5Những chính sách giảm nghèo của tỉnh Gia Lai đã giúp bộ mặt nông thôn tại vùng dân tộc thiểu số ngày càng khang trang. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ông Kpă Đô, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho hay, ngoài những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Khoảng cách chênh lệch về phát triển kinh tế - xã hội, thụ hưởng các dịch vụ cơ bản giữa vùng dân tộc và đô thị còn khá lớn; hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn chiếm tỷ lệ khá cao; kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn; các dịch vụ y tế ở mức thấp so với vùng, miền khác trong tỉnh. Một số bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nguồn lực đầu tư cho chính sách còn ít và dàn trải, chưa tập trung...

Gia Lai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc ảnh 6Những chính sách giảm nghèo của tỉnh Gia Lai đã giúp bộ mặt nông thôn tại vùng dân tộc thiểu số ngày càng khang trang. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Vì vậy, Ban Dân tộc tỉnh mong muốn Trung ương sớm triển khai các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; xem xét, bố trí nguồn vốn, nguồn lực đầu tư thực hiện các dự án sát với nhu cầu thực tế của địa phương, qua đó thúc đẩy vùng dân tộc thiểu số của tỉnh phát triển bền vững.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm