Gia Lai thực hiện đồng bộ các chương trình giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số

Gia Lai thực hiện đồng bộ các chương trình giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số
Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Gia Lai, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Gia Lai, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Thông tin tại Hội nghị cho biết, qua 3 năm (2017-2019) thực hiện chương trình giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức của người dân, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai cơ bản được nâng cao; phần lớn bà con đã biết cách làm ăn, giảm dần các hủ tục lạc hậu trong ma chay, lễ hội. Các hộ nghèo đã tiếp cận đầy đủ hơn với chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước. Nhiều cách làm hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả đã được cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai, mang lại kết quả tích cực giúp người nghèo có việc làm, thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai giảm từ 34,49% (cuối năm 2016) xuống còn 14,86% (cuối năm 2019); tương ứng với số lượng 47.133 hộ nghèo (năm 2016) xuống 22.378 hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số (năm 2019). Toàn tỉnh hiện có 97/184 xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 7%, đạt 77,6% chỉ tiêu được giao đến năm 2020.

Với việc thực hiện đồng bộ các chương trình giảm nghèo, cơ sở hạ tầng trên toàn tỉnh Gia Lai có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong vùng dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% xã được nhựa hóa, bê tông hóa đường ô tô đến trung tâm xã. Toàn tỉnh có trên 87% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, hầu hết các trạm y tế xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; có trên 45% trường học đạt chuẩn quốc gia, hơn 55% xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới; gần 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 94% số gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 62% số hộ sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ; 70% xã, phường có nhà văn hóa riêng.

Trong 3 năm qua, tỉnh Gia Lai cũng đã phân bổ hơn 637 tỉ đồng ngân sách tập trung thực hiện các chính sách giảm nghèo đa chiều, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, biên giới, xã đặc biệt khó khăn, thôn/làng đặc biệt khó khăn. Tỉnh đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; trong đó, Chương trình 30a hỗ trợ gần 700 nghìn kg phân bón, trên 3 nghìn con bò giống, hơn 44 nghìn cây điều giống cho bà con vùng khó khăn. Đã có gần 150 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn sản xuất với số tiền trên 4 nghìn tỉ đồng. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai còn chú trọng công tác đào tạo nghề và hỗ trợ giáo dục nghề cho lao động nông thôn. Gần 34 nghìn lao động dân tộc thiểu số đã được hỗ trợ, đào tạo nghề điện dân dụng; trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su; chăm sóc cà phê, hồ tiêu; chăn nuôi thú y; sửa chữa xe máy; may công nghiệp…

Sau phần thảo luận, đại biểu 17 huyện, thị, thành phố đóng góp các ý kiến về xây dựng đồng bộ chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành nhấn mạnh, mục tiêu đến cuối năm 2025 tỉnh Gia Lai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong dân tộc thiểu số so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh xuống dưới 5%, bình quân trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm giảm 2,04%. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể cho từng địa phương để có các phương án triển khai phù hợp với đời sống thực tế của người dân.
Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm