Gia Lai thực hiện các giải pháp ứng phó với thiên tai

Gia Lai thực hiện các giải pháp ứng phó với thiên tai
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, năm nay ở Gia Lai mùa mưa đến sớm hơn so với năm ngoái. Khu vực các huyện phía Tây và Trung tâm tỉnh, mùa mưa bắt đầu vào khoảng nửa đầu tháng 5, các huyện phía Đông bắt đầu vào nửa cuối tháng 5. Lượng mưa lớn nhất tập trung phổ biến vào tháng 7 - 8, riêng các vùng phía Đông tập trung vào tháng 9 - 10. Mực nước trên các sông, suối có xu thế tăng dần, đỉnh lũ lớn nhất ở mức cao hơn đỉnh lũ trung bình năm ngoái, nên cần đề phòng những trận mưa lớn sinh lũ gây ngập ở một số vùng trũng thấp ven sông…
 
Hạn hán ở Tây Nguyên. Ảnh: internet
Hạn hán ở Tây Nguyên. Ảnh: internet
Trước tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng về cường độ, số lượng và mức độ nguy hiểm. Để ứng phó với thiên tai, đến thời điểm này Gia Lai đã đầu tư hơn 900 tỷ đồng xây dựng 7 công trình kè chống sạt lở bờ sông, suối, với tổng chiều dài hơn 23 km; trong đó 4 công trình đã đưa vào sử dụng, 3 công trình đang triển khai thi công gồm kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun đoạn qua thị xã AyunPa, kè chống sạt lở suối Hội Phú, thành phố Pleiku và kè chống sạt lở thuộc dự án hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch Biển Hồ. 

Ngoài ra, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Gia Lai đã tập trung xây dựng các giải pháp trên cơ sở phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả với phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, các giải pháp cơ bản được đặt ra như chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không đảm bảo an toàn, đặc biệt là những đối tượng dễ tổn thương trong tình huống thiên tai khẩn cấp; giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên sông, ngầm qua suối, khu vực và tuyến đường bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất do mưa lũ; sẵn sàng các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và các nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán; chủ động chằng chống nhà cửa, vật kiến trúc, kho tàng… đảm bảo đủ sức chống đỡ khi có lốc xoáy, mưa đá và thiên tai xảy ra. 

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung chuyển đổi cây trồng vùng thường xuyên bị hạn, lựa chọn các loại cây trồng cạn ngắn ngày như đậu đỗ, ngô, sắn… có khả năng chịu hạn để gieo trồng trên đất lúa và dừng gieo trồng ở các khu vực không đảm bảo về nguồn nước nhằm tránh thiệt hại; tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, thiết lập các trạm bơm dã chiến, bơm chuyền, đào hố, giếng nông và sử dụng công nghệ tưới phun mưa, tưới luân phiên để tiết kiệm nguồn nước… 

Để phục vụ nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Gia Lai huy động tổng lực gần 25.000 người; gần 1.000 ô tô các loại; khoảng 160 chiếc ca nô, xuồng cứu hộ; gần 3.800 phao cứu sinh cùng hàng trăm xe máy xúc, xe ủi, xe ben các loại… 

Năm 2016, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai ước khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó hơn 30.500 ha cây trồng bị hạn, thiệt hại khoảng 840 tỷ đồng… 
Nguyễn Hoài Nam
TTXVN

Có thể bạn quan tâm