Gia Lai tăng cường công tác phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Gia Lai tăng cường công tác phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chiều 27/4, đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về tình hình dân tộc trên địa bàn; công tác chuẩn bị thực hiện các nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Gia Lai.

Gia Lai tăng cường công tác phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Gia Lai là một tỉnh nghèo, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 46% (dân tộc Jrai chiếm hơn 30%, dân tộc Bahnar hơn 12%, các dân tộc khác chiếm hơn 3%). Trong đó, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 40.000 hộ, chiếm 25,5% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh; số hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số gần 25.000 hộ, chiếm gần 16% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh.

Gia Lai tăng cường công tác phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai Kpă Đô phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, trong nhiệm kỳ 2021-2026, tỉnh đã đầu tư 500 tỷ đồng cho chương trình phát triển nông thôn mới, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này cũng chỉ mới đảm bảo được 50% kinh phí thực hiện chương trình. Ngoài ra, Gia Lai cũng đã ban hành một số nghị quyết kêu gọi đầu tư dự án phát triển nông nghiệp, trồng rừng đảm bảo sinh kế cho người dân, đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội; quan tâm đến giáo dục học sinh dân tộc thiểu số. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Ủy ban Dân tộc có ý kiến với các bộ, ngành trung ương để sử dụng hiệu quả công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông), triển khai các chương trình tạo sinh kế cho người dân vùng biên giới.

Gia Lai tăng cường công tác phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 3Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Gia Lai kiến nghị Trung ương hỗ trợ gần 6.000 tỷ đồng để triển khai, thực hiện các giải pháp về an sinh, xã hội, công tác giảm nghèo. Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc có ý kiến ủng hộ trong quá trình địa phương trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội thống nhất chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 4,7 ngàn ha rừng tự nhiên để hoàn thành dự án Công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr.

Thay mặt đoàn công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao những chương trình, chủ trương của tỉnh Gia Lai dành cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ông Hầu A Lềnh đề xuất, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ, đồng tình với những chính sách này để bảo đảm thành công. Cơ quan chủ trì cần tăng cường phối hợp với địa phương, các ban, ngành liên quan để những chương trình mục tiêu quốc gia có hiệu quả tốt nhất. Đồng thời, cơ quan chủ trì phải thường xuyên tổng hợp, nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng bà con, kịp thời có những đề xuất, điều chỉnh. Đoàn công tác tiếp nhận, tổng hợp các ý kiến, đề xuất của tỉnh và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để trả lời chi tiết.

Gia Lai tăng cường công tác phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 4Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Cùng ngày, đoàn công tác đã dự khai mạc và bế mạc Hội thao chào mừng kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Cơ quan công tác dân tộc (03/5/1946-03/5/2022) lần thứ IX năm 2022 tại Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Gia Lai. Hội thao có sự tham gia của 14 đội thi đến từ các Ban dân tộc: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Trị, Ban tôn giáo và Dân tộc Tây Ninh, với gần 250 vận động viên, tranh tài ở 7 môn thi đấu.


Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm