Gia Lai sớm gỡ nút thắt giao thông cho làng Đê Kôn

Gia Lai sớm gỡ nút thắt giao thông cho làng Đê Kôn

Đã nhiều năm nay, vào những tháng mùa mưa Tây Nguyên, hơn 50 hộ dân với gần 240 khẩu người dân tộc Bahnar tại làng Đê Kôn, xã Hra, huyện Mang Yang (Gia Lai) hầu như bị cô lập mặc dù chỉ cách UBND xã và đường Quốc lộ 7km. Giao thương, sản xuất ngừng trệ bởi người dân dưới đèo không thể lên khu vực sản xuất, còn người dân trên đèo không thể xuống núi giao thương, thậm chí có những bệnh nhân tại làng Đê Kôn do không kịp đưa đi cấp cứu phải chịu hậu quả nặng nề vì đường đèo trơn trợt, nguy hiểm.

Gia Lai sớm gỡ nút thắt giao thông cho làng Đê Kôn ảnh 1Xe độ chế là phương tiện duy nhất để vận chuyển nông sản, hàng hóa lên, xuống làng Đê Kôn. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Anh Klưn, Trưởng thôn (làng) Đê Kôn cho biết, đoạn đường đèo khoảng 4 km nối làng Kdung với làng Đê Kôn của xã Hra, mùa nắng đất tơi xốp lún sâu ngập bánh xe máy, bụi mù mịt. Đến mùa mưa, giao thông coi như bị đứt quãng khiến làng Đê Kôn bị cô lập thường xuyên. Mưa nhỏ, những đoạn đường đất đỏ bazan trơn trợt, bánh xe dính đất xoay vòng, trơn tuột nên đi bộ là cách di chuyển duy nhất. Những đợt mưa kéo dài, làng Đê Kôn như một ốc đảo "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Hiện phương tiện di chuyển đến và đi từ làng hầu hết là xe máy độ chế, bánh xe quấn xích để chống trơn trượt.

Làng Đê Kôn có tổng diện tích gieo trồng khoảng 142 ha, chủ yếu là lúa nước, sắn, rau, đậu, cà phê, tiêu, keo, bạch đàn, bời lời. Khoảng 50% diện tích này do người dân từ làng Kdung dưới đèo lên trồng trọt. Vào mùa mưa, số diện tích sản xuất này dường như bị bỏ hoang vì người dân không thể di chuyển lên núi để chăm sóc. Còn các hộ dân tại làng Đê Kôn thì bán sắn, lúa, nông sản chỉ bằng 2/3 hoặc một nửa giá trị trường vì đường vận chuyển xuống núi quá khó khăn, chi phí vận chuyển lớn. Chính vì thế, Đê Kôn là làng đặc biệt khó khăn, dù được nhận hỗ trợ nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ đặc thù của Nhà nước nhưng làng vẫn còn rất nhiều hộ nghèo (cuối năm 2019, Đê Kôn có 16 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo trên tổng số 53 hộ dân của làng).

Ngoài việc khó khăn trong giao thông, giao thương của người lớn, đoạn đèo nối làng Đê Kôn xuống vùng xuôi còn ẩn chứa hiểm nguy trên con đường đến trường của các em học sinh. Trước đây, vì  chỉ có 2 điểm trường (1 lớp học mẫu giáo và 2 lớp ghép Tiểu học) nên trẻ em làng Đê Kôn chỉ học đến lớp 5, vì điều kiện khó khăn, kèm theo cung đường đèo nguy hiểm nên phụ huynh không thể chở con xuống núi đi học mỗi ngày. Hai năm trở lại đây, nhờ sự vận động của chính quyền cũng như ngành giáo dục địa phương đã có khoảng 20 em học sinh lớp 6, lớp 7 đã nỗ lực xuôi đèo về xã học bán trú tại trường Trung học cơ sở xã Hra. Sáng sớm, các em được bố mẹ thồ trên những chiếc xe máy độ chế đến trường, mùa mưa, xe ngã, quần áo lấm lem đến lớp, có nhiều hôm phải nghỉ học ở nhà vì có đi bộ cũng không thể vượt qua được những đoạn đường xấu.

Anh Klưn chia sẻ thêm, mới đây ở làng vừa xảy ra một việc đau lòng. Vào cuối tháng 6/2020, cháu Vươn (sinh năm 2015) và em gái Ven (sinh năm 2017) cùng trú tại làng Đê Kôn ra phía sau nhà hái trái cây. Gần đó có tổ ong, 2 anh em bị đốt và nguy kịch. Lúc xảy ra vụ việc, người lớn trong làng đều đi làm rẫy, khi phát hiện vụ việc, vì trúng thời điểm mùa mưa, đường khó đi, người nhà 2 cháu bé đã cõng con mình chạy bộ xuống núi rồi mới dùng xe máy đưa 2 cháu được đến cơ sở y tế cấp cứu. Tuy nhiên,  cháu Ven do sức khỏe yếu nên đã tử vong, cháu Vươn sau khi được sơ cứu đã chuyển viện lên tuyến trên. Không chỉ duy nhất vụ việc này, trong đã xảy ra nhiều trường hợp người dân đau ốm nhưng vì đường sá đi lại khó khăn nên đành chịu đau hoặc đưa xuống núi cấp cứu chậm trễ, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Theo ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Hra, làng Đê Kôn là làng thuộc diện đặc biệt khó khăn nên đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều dự án, chương trình giảm nghèo của Nhà nước. Tuy nhiên, đời sống của đa số người dân làng Đê Kôn vẫn rất vất vả, chưa bắt kịp với cuộc sống xã hội hiện đại, mà cản trở lớn là do con đường nối từ trung tâm xã, qua làng Kdung đến làng Đê Kôn. Do vậy, để đời sống người dân làng Đê Kôn bớt khó khăn, chính quyền xã Hra cũng mong các ban, ngành các cấp cân đối, bố trí nguồn vốn làm cho bà con một con đường dân sinh. Năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai có về đo đạc, khảo sát hiện trạng nhưng tới nay vẫn chưa được triển khai.

Trao đổi với chúng tôi về việc từng khảo sát con đường lên làng Đê Kôn, xã Hra, huyện Mang Yang, đại diện lãnh đạo sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, năm 2019, đơn vị đã tiến hành kiểm tra hiện trạng con đường này. Đoạn đường ước tính sẽ xây dựng nối từ Quốc lộ 19 (trung tâm xã Hra) qua làng Kdung đến làng Đê Kôn có chiều dài 6,6 km đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp vào Danh sách dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự kiến dự án sẽ được đầu tư từ năm 2022 (Theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021 ưu tiên đầu tư hoàn thiện các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2021 sang giai đoạn 2021-2025. Do đó, các dự án khởi công mới, dự kiến sẽ thực hiện vào năm 2022).

Trước đó, ngày 5/9, TTXVN đã có bài viết "Ngược đèo, cõng chữ về làng Đê Kôn" phản ánh về những vất vả, khó khăn và hiểm nguy khi giáo viên ngược đèo, mang con chữ về làng phải đi qua đoạn đường đèo nối từ xã về làng Đê Kôn. Cùng với đó là việc học sinh cấp 2 tại làng xuống núi đi học bán trú cũng khó khăn không kém. Sau đó, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn yêu cầu Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND huyện Mang Yang kiểm tra, báo cáo tình hình cơ sở, đồng thời đề xuất hướng xử lý trước ngày 20/9. Theo kế hoạch, ngày 14/9, sở Giao thông vận tải sẽ xuống cơ sở, làm việc với UBND huyện Mang Yang, UBND xã Hra để có đề xuất hướng xử lý.

Người dân làng Đê Kôn mong mỏi các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương sớm có giải pháp nhằm gỡ nút thắt giao thông, để bà con ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, thuận lợi giáo dục góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Gia Lai./.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm