Gia Lai quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Gia Lai quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Anh Rơ Chăm Phen, làng Kênh Chóp, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh được cấp bò giống. Nay đàn bò đã sinh sản, giúp gia đình anh ổn định kinh tế gia. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Anh Rơ Chăm Phen, làng Kênh Chóp, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh được cấp bò giống. Nay đàn bò đã sinh sản, giúp gia đình anh ổn định kinh tế gia. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Các địa phương, ngành chức năng của tỉnh tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân vùng dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống bằng nhiều hình thức như: Tranh thủ nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình 135, 134, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng triển khai đồng bộ các chương trình, dự án, tạo điều kiện hỗ trợ đồng bào vốn, cây, con giống để phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ kiến thức, từng bước giúp người dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Các chính sách đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Các chính sách đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống. Nhiều năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đồng bào các dân tộc đã tích cực lao động, sản xuất, chuyên canh các loại cây trồng chủ lực như: Cà phê, hồ tiêu, cao su, các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế. Thực hiện chương trình hỗ trợ người nghèo vùng khó khăn, năm 2017, tỉnh Gia Lai đã cấp 25 tấn ngô, hơn 26 tấn lúa, 1.500 tấn phân bón và 2.000 con bò giống cho hơn 200.000 hộ dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Anh Rơ Chăm Djuih, làng Blui, xã Ia Ka, huyện Chư Păh được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Anh Rơ Chăm Djuih, làng Blui, xã Ia Ka, huyện Chư Păh được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Trước đây, gia đình ông Lưih, làng Dôr 2, xã Glar, huyện Đăk Đoa thuộc diện hộ nghèo. Năm 2009, được hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách, ông Lưih đã vay 50 triệu đồng với lãi suất thấp, đầu tư mua phân bón, ống tưới để chăm sóc vườn cà phê lâu nay khô cằn. Đến cuối năm 2015, sau khi thu hoạch cà phê, ông Lưih đã trả được nợ ngân hàng và tái đầu tư mở rộng đất sản xuất. Năm 2016 gia đình ông Lưih đã xây mới được căn nhà khang trang. Ông Lưih cho biết: “Nhiều hộ trong làng cũng đã vay vốn ngân hàng chính sách để phát triển kinh tế, thoát nghèo như gia đình tôi. Năm nay, gia đình tôi đã trả hết nợ ngân hàng, mua sắm đồ đạc, gia đình ăn Tết đầy đủ hơn". Còn anh Rơ Chăm Djuih ở làng Blui, xã Ia Ka, huyện Chư Păh phấn khởi cho biết, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò giống, phân bón, máy cắt cỏ và hướng dẫn cách chăm sóc cà phê. Hiện nay vườn cà phê của gia đình anh Alo đã phát triển tốt, cho năng suất cao, nhờ đó đời sống gia đình anh đã được cải thiện. Gia đình anh Rơ Chăm Phen ở làng Kênh Chóp, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh được Nhà nước hỗ trợ một con bò giống để phát triển chăn nuôi vào năm 2015. Năm 2017, gia đình anh Phen đã có tên trong danh sách thoát nghèo của xã.

Ông Kpă Đô, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 64 xã, 600 làng đặc biệt khó khăn. Năm 2017, tỉnh Gia Lai còn 39 nghìn hộ nghèo, 24 nghìn hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai phối hợp với các ban, ngành liên quan tiếp tục thực hiện  hiệu quả công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm