Gia Lai: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến sâu

Vườn tiêu sạch khoảng 15.000 trụ tiêu tại xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa ứng dụng công nghệ tiên tiến, bón phân hữu cơ và vi sinh. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Vườn tiêu sạch khoảng 15.000 trụ tiêu tại xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa ứng dụng công nghệ tiên tiến, bón phân hữu cơ và vi sinh. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Gia Lai là địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển toàn diện nền nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi liên kết chế biến sâu. Định hướng chiến lược phát triển này đóng vai trò kinh tế chủ lực trong tương lai, vì vậy thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã nỗ lực mời gọi đầu tư và kết quả đã có nhiều dự án nông nghiệp quy mô lớn đầu tư về địa phương.

Qua đó, mở ra cơ hội mới để Gia Lai từng bước tạo dựng nền móng nông nghiệp bền vững, chất lượng cao, tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương.

Thành quả tiền đề cho những nỗ lực của Gia Lai là đến nay toàn tỉnh đã có 149 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn chất lượng 3 sao, 4 sao cấp tỉnh; trong đó, nhiều sản phẩm được sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng và tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng.

Một trong những chuỗi liên kết đang khẳng định được thế mạnh là Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang tại xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa với 110 thành viên tham gia liên kết sản xuất 80 ha tiêu và 120 ha cà phê. Nhờ mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biến hiện đại kết hợp với quy trình canh tác vườn cây theo hướng hữu cơ, Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Yang đã xây dựng nên thương hiệu Tiêu Lệ Chí chất lượng cao đưa ra thị trường, được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao.

Đặc biệt, bộ 3 sản phẩm tiêu đỏ, tiêu sọ và tiêu đen Lệ Chí không chỉ được công nhận là sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và Khu vực năm 2020, mà còn được tổ chức quốc tế Control Union chứng nhận đạt tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu.

Anh Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang chia sẻ, định hướng canh tác bền vững mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân là mục tiêu đơn vị quyết tâm hướng đến.

Nhờ đó, hiện nay Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang đang có trong tay những vườn cây được chứng nhận hữu cơ. Đặc biệt, nhà máy chế biến và đóng gói sản phẩm công suất 1 tấn tiêu/giờ và 1,5 tấn cà phê/giờ với mức đầu tư 8,5 tỷ đồng đang trong giai đoạn hoàn thành.

Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để liên kết sản xuất ra những sản phẩm tiêu, cà phê chất lượng cao đến tận tay người tiêu dùng, từ đó giá trị mang lại sẽ tăng từ 20-30%, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con thành viên.

Hay như mô hình trồng khoai tây ở xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê được chuyển giao liên kết giữa nông dân với Công ty TNHH thực phẩm Pepsico Food Việt Nam. Mô hình này được trồng thử nghiệm năm 2020 và qua đánh giá kết quả bước đầu cho thấy có những tín hiệu rất lạc quan về năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế mang lại.

Anh Trịnh Ảnh, thôn Đoàn Kết, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê cho biết, được hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác, gia đình anh đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 7 ha khoai tây để kiểm chứng sự phù hợp của khí hậu, thổ nhưỡng. Qua thu hoạch cho thấy, cây khoai tây rất phù hợp và dễ dàng đáp ứng quy cách sản phẩm của công ty đặt ra. Vụ đầu tiên này, gia đình anh thu về 33 tấn/ha, lợi ích kinh tế mang lại khá cao.

Ông Nguyễn Hồng Hạng, Giám đốc Phát triển nông sản - Công ty TNHH thực phẩm Pepsico Food Việt Nam đánh giá, khoai tây trồng tại vùng đất Gia Lai cho năng suất bình quân đạt 26 tấn/ha, cho lợi nhuận đến 100 triệu trong vòng 100 ngày.

“Qua kết quả trồng thí nghiệm này, tôi tin Gia Lai sẽ là vùng đất hứa hẹn rất nhiều tiềm năng cho công ty trong tương lai”, ông Hạng nói. Với những thành công bước đầu của mô hình khoai tây, Công ty Pepsico đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu và đây sẽ là hướng đi mới đầy triển vọng cho nông nghiệp của tỉnh Gia Lai.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai khẳng định, qua trao đổi với các chuyên gia, tiềm năng về năng suất, hàm lượng chất khô của khoai tây ở Gia Lai tốt hơn cả Lâm Đồng và Đăk Lăk. Đặc biết, với điều kiện thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng hiện có thì Gia Lai có thể trồng được 3 vụ và đây cũng là điều kiện rải vụ rất tốt trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu, tránh thiếu hụt cục bộ cho sản xuất của nhà máy.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ cùng với Pepsico Food Việt Nam khảo sát thêm vùng đất phía Đông tỉnh là Kbang để trồng vụ khoai từ tháng 5 đến tháng 9. Nếu khảo sát kỹ, Gia Lai đáp ứng đủ các điều kiện thì sẽ hai bên sẽ xúc tiến hình thành chuỗi liên kết sản xuất khoai tây.

Từ một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, Gia Lai đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất chuyên canh và hình thành nên các chuỗi liên kết sản xuất từ trồng trọt đến chăn nuôi. Tính đến nay, Gia Lai đã hình thành được 11 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông lâm sản hiệu quả cao.

Chẳng hạn như chuỗi rau quả của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; chuỗi sản xuất cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp; chuỗi liên kết - tiêu thụ sản phẩm của Tập đoàn Lộc Trời; chuỗi liên kết sản xuất mía đường ở khu vực phía Đông và Đông Nam của tỉnh...

Các chuỗi liên kết còn lại tuy mới hình thành nhưng cũng được đánh giá khá thành công và hứa hẹn nhiều triển vọng. Không chỉ có thế mạnh về phát triển một số cây công nghiệp dài ngày, Gia Lai còn tự hào là số ít địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển đa dạng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cây ăn quả.

Theo Đề án về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 vừa được UBND tỉnh phê duyệt, Gia Lai sẽ dành khoảng 120 ngàn ha để thực hiện đề án này với khát vọng xây dựng tỉnh trở thành trung tâm sản xuất rau quả lớn của cả nước.

Với định hướng mang tầm chiến lược như vậy, Gia Lai đang trở thành miền đất hứa, ngày càng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư vào để đánh thức tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương.

Nguyễn Hoài Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm