Gia Lai nỗ lực khống chế dịch COVID-19

Gia Lai nỗ lực khống chế dịch COVID-19

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh tương đối phức tạp. Bên cạnh các chùm ca bệnh cơ bản đã tạm ổn định, tỉnh chưa ghi nhận thêm các trường hợp dương tính mới ngoài cộng đồng nhưng vẫn còn nhiều chùm ca bệnh chưa được kiểm soát triệt để. Đặc biệt, tại nhiều địa bàn như thành phố Pleiku, huyện Chư Sê… vẫn liên tục ghi nhận các trường hợp dương tính ngoài cộng đồng và liên quan đến chợ dân sinh nên nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng. Đồng thời, trong thời gian gần đây đã xuất hiện tâm lý chủ quan của một bộ phận không nhỏ người dân sau khi được tiêm vaccine phòng COVID-19.

F0 trong cộng đồng liên tục tăng

Đầu tháng 11/2021, tỉnh Gia Lai liên tiếp ghi nhận nhiều trường hợp F0 trong cộng đồng với nhiều chùm ca bệnh phức tạp, chưa rõ nguồn lây. Trong ngày 5-6/12, Gia Lai ghi nhận số ca mắc cao nhất từ trước đến nay với 169 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc trên địa bàn toàn tỉnh trên 4.238 trường hợp (tính từ 26/4 đến 6/12).

Liên quan đến các chùm ca bệnh trước đó, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai, bên cạnh việc đã kiểm soát tốt các chùm ca bệnh, ngăn chặn sự lây lan thì vẫn còn nhiều chùm ca bệnh diễn biến phức tạp, số dương tính với SARS-CoV-2 vẫn liên tục tăng. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục ghi nhận nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng, chưa xác định được nguồn lây tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại chùm ca bệnh tại xã Hà Bầu (huyện Đăk Đoa), tính đến ngày 3/12, có 530 ca dương tính đã đượcghi nhận; xã Ia Sao (huyện Ia Grai) từ ngày 8-21/11 ghi nhận 56 trường hợp, làng Brel, xã Ia Der (huyện Ia Grai) từ ngày 18/11- 1/12 ghi nhận 49 trường hợp… Ổ dịch tại xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) chưa được kiểm soát triệt để; thành phố Pleiku vẫn liên tục ghi nhận các ca bệnh dương tính ngoài cộng đồng và liên quan đến chợ dân sinh.

Tại thành phố Pleiku hiện có 2 chùm ca bệnh mới đang có nguy cơ cao, diễn biến phức tạp là chùm ca bệnh tại xã Biển Hồ phát hiện ngày 24/11 với 42 trường hợp và chùm ca bệnh tại chợ Trà Bá phát hiện ngày 4/12 hiện đã ghi nhận 91 trường hợp. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai đánh giá 2 chùm ca bệnh trên đang có diễn biến rất phức tạp vì địa bàn là vị trí giao lưu cộng đồng thường xuyên. Các ca mắc thứ phát ở các xã, phường đều có liên quan đến chợ Trà Bá chưa có dấu hiệu dừng. Khi các chùm ca bệnh cũ chưa được kiểm soát, tỉnh Gia Lai lại tiếp tục ghi nhận thêm nhiều chùm ca bệnh mới tại nhiều địa phương như huyện Chư Sê, Đăk Pơ, Phú Thiện.

Tại huyện Chư Sê, từ ngày 25/11 đến ngày 6/12, huyện ghi nhận 159 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 với 4 chùm ca bệnh chính gồm xã Ia Pal (58 trường hợp), thôn Blo Hưng, xã Ia Blang (23 trường hợp) và thị trấn Chư Sê (64 trường hợp). Đặc biệt, trong ngày 5/12, tại huyện Chư Sê tiếp tục ghi nhận 14 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến ca bệnh tại một ngân hàng. Đánh giá về diễn biến dịch tại địa phương này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai lưu ý, hầu hết tại các thôn, tổ dân phố đều xuất hiện ca mắc nên khả năng bùng phát trong cộng đồng cao, các trường hợp dương tính trong cộng đồng liên quan đến các chùm ca bệnh trên liên tục tăng.

Từ ngày 2- 5/12 huyện Đăk Pơ ghi nhận 17 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến người đi về từ Thành phố Hồ Chí Minh và không thực hiện khai báo y tế. Từ chùm ca bệnh này, huyện Đăk Đoa ghi nhận thêm 1 học sinh có địa chỉ tại Đăk Pơ nhưng theo học tại Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trãi (thị xã An Khê) và 2 học sinh của Trường Trung học Cơ sở Ngô Quyền (huyện Đăk Pơ) dương tính với SARS-CoV-2.

Thần tốc khoanh vùng, truy vết, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Gia Lai đã tổ chức thực hiện nghiêm các quy định và các biện pháp chống dịch. Lực lượng chức năng đã thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp trong vòng 24 giờ, tổ chức xét nghiệm để phát hiện sớm F0, F1 với phương châm "thần tốc khoanh vùng; thần tốc truy vết; thần tốc cách ly; thần tốc lấy mẫu xét nghiệm, thần tốc xét nghiệm và trả kết quả”.

Tỉnh đã xây dựng các kịch bản, phương án phòng, chống dịch COVID-19 từ cấp tỉnh đến xã; tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cấp cứu, tiêm vaccine phòng COVID-19, truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và điều trị trên địa bàn; chủ động thành lập và kiện toàn các Tổ công tác từ cấp tỉnh đến cấp xã để sẵn sàng hoạt động khi dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có các phương án bảo vệ và mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng dịch.

Tỉnh Gia Lai thiết lập, tổ chức thu dung, điều trị chặt chẽ bệnh nhân COVID-19. Sở Y tế đã thiết lập 2 Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 và 10 bệnh viện điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, đồng thời tách tầng 1 thành 2 phân tầng (1A và 1B) để thuận lợi trong việc triển khai hoạt động.

Đề án “Tăng cường khả năng cung ứng, sử dụng oxy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19” trên địa bàn tỉnh được triển khai. Hiện tại các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh có khoảng 400 bình chứa oxy dạng khí (loại 40L) và 4 bồn chứa ô-xy lỏng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Đại học y dược Hoàng Anh Gia Lai và Bệnh viện Đa khoa Bình An Gia Lai: mỗi cơ sở 1 bồn chứa từ 4-5m3).

Tuy nhiên, khi các hoạt động dần trở về trạng thái “bình thường mới” đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là của một số địa phương, một bộ phận người dân, có nơi vi phạm công tác quản lý, kiểm soát và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, tỷ lệ trường hợp tái dương tính sau ra viện trên tổng số trường hợp đã ra viện từ đầu dịch đến nay tương đối cao (gần 20%). Tình trạng thiếu nhân lực có chuyên môn cũng như thiếu một số trang thiết bị, vật tư để đáp ứng năng lực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Để đảm bảo có hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, tỉnh Gia Lai tiếp tục triển khai đồng bộ, thống nhất và khả thi Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ; các quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; Quyết định số 745/QĐ-UBND ngày 30/10/2021 của UBND tỉnh Gia Lai về phương án triển khai các biện pháp tạm thời để thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh gắn với quản lý các tình huống rủi ro, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”.

Đối với ngành y tế, thực hiện các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vaccine theo phương châm “cách ly, xét nghiệm là then chốt, vaccine, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết”. Nơi nào có nguy cơ cao, nơi xuất hiện ổ dịch thì phải khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện phong tỏa nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể; xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch, phát hiện sớm F0 và F1 để đưa điều trị và cách ly có hiệu quả; phân loại đối tượng để tổ chức thực hiện việc cách ly và xét nghiệm cho người dân từ các vùng dịch về tỉnh theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, bảo đảm an sinh, bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch.

Tỉnh tiếp tục triển khai tiêm vaccine đúng tiến độ; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để bảo đảm hoàn thành việc tiêm đủ mũi vaccine cho trẻ em và tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên khi được cấp vaccine.

Trong khi tình hình dịch COVID-19 trên cả nước nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng đang có những diễn biến phức tạp, công tác điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 bằng thuốc kháng SARS-CoV-2 Molnupiravir đang cho kết quả khả quan. Theo báo cáo của Sở Y tế đến ngày 5/12, tỉnh đã thực hiện thí điểm cho 100 bệnh nhân điều trị thuốc kháng SARS-CoV-2 Molnupiravir. Trong đó, đã có 34 bệnh nhân mắc COVID-19 hoàn thành liệu trình 5 ngày; 66 bệnh nhân đang tiếp tục điều trị. Tất cả các bệnh nhân được điều trị chưa ghi nhận bất thường.

Hiện tại, tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận 5466 lọ thuốc có hoạt chất Remdesivir 100mg. Ngành y tế tỉnh đã tham gia chương trình thí điểm điều trị với việc tiếp nhận từ Bộ Y tế 1.000 liều thuốc Molnupiravir (tương đương 20.000 viên 400mg) cho công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ.

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm