Gia Lai: Ngược đèo cõng chữ về làng Đê Kôn

Những đoạn đường hằng ngày giáo viên dưới xuôi phải ngược đèo cõng chữ về làng Đê Kôn. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN
Những đoạn đường hằng ngày giáo viên dưới xuôi phải ngược đèo cõng chữ về làng Đê Kôn. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Đê Kôn là làng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai, dù chỉ nằm cách trung tâm xã Hra (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) 7km. Nơi đây, mùa tựu trường năm nào cũng trở thành nỗi "ám ảnh" của cả thầy, cô và học trò, bởi con đường đến trường trơn trượt, đèo dốc, ẩn chứa nhiều hiểm nguy.

Thầy, cô vượt đèo, cõng chữ lên làng

Từ đường chính đến điểm trường Đê Kôn khoảng 6km, trong đó hơn 4km đoạn đường đèo dốc hiểm trở. Vào thời điểm mùa mưa đến, giáo viên phải cho học sinh nghỉ học bởi ngôi làng này hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài.

Chúng tôi theo bước 2 cô giáo Hà Thị Linh (sinh năm 1970) và Nguyễn Thị Kim Thủy (sinh năm 1989) là giáo viên trường Tiểu học Hra số 2 (xã Hra, huyện Mang Yang, Gia Lai) để đến với điểm trường Đê Kôn, nơi các cô xung phong lên giảng dạy 2 năm nay. Mùa tựu trường cũng là mùa mưa Tây Nguyên khiến con đường độc đạo dẫn đến trường càng trở nên khó đi. Con đường mòn giờ như dòng suối vắt vẻo bên triền núi, trơn trượt khiến chúng tôi phải nhờ người dân chở bằng xe chuyên dụng đi rừng. Ngồi sau, cảm giác phó thác cho anh trưởng thôn vì không dám mở mắt ra nhìn, đôi đoạn tôi bám chặt lấy vai anh vì xe cứ thế tuột theo dải bùn đất đỏ bazan ngấm nước. Đến một số đoạn bùn nhão ngập bánh xe, chúng tôi buộc phải lội bộ.

Gia Lai: Ngược đèo cõng chữ về làng Đê Kôn ảnh 1Những đoạn đường hằng ngày giáo viên dưới xuôi phải ngược đèo cõng chữ về làng Đê Kôn. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Cô Hà Linh cho hay, mấy hôm nay trời nắng ráo nên còn đi xe máy được vài đoạn, chỉ cần mưa một ngày là các thầy, cô phải đi bộ để đến lớp dạy học. Tuy vất vả, hiểm nguy, nhưng vì yêu nghề, mến trẻ, mong các em có cái chữ để đổi mới tư duy, cải thiện cuộc sống về sau nên giáo viên trong trường thay phiên nhau "cõng" cái chữ đến với học trò nơi đây. Hình ảnh hai cô giáo giúp nhau đẩy xe của từng người qua đoạn đường đèo vắng vẻ, lầy lội, bùn đất bám đầy người, dưới chân hai đôi ủng ngập sâu trong đất đỏ làm chúng tôi thêm phần khâm phục nghị lực của các cô giáo. Trên lưng mỗi cô mang theo chiếc cặp, trong đó đựng những cuốn sách, tập vở, kiến thức, hành trang đến với học sinh vùng cao.

Gia Lai: Ngược đèo cõng chữ về làng Đê Kôn ảnh 2Cô Hà Thị Linh (đi đầu) giáo viên trường Tiểu học Hra số 2 trên đường lên điểm trường Đê Kôn trước năm học mới. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Cô Kim Thủy cho biết, chiếc cặp này còn đựng cả bộ quần áo để nếu có ngã thì có quần áo để thay, có cả lương khô và những đùm cơm nấu để trưa ở lại, hoặc bị mưa không về được có đồ mà ăn.

Vất vả chừng một giờ di chuyển, cả bằng xe máy chuyên dụng lẫn đi bộ, chúng tôi lên đến điểm trường Đê Kôn. May mắn, điểm trường được Nhà nước đầu tư xây dựng với 2 phòng học bê tông kiên cố. Vì điều kiện còn khó khăn, cộng với sỹ số học sinh ít nên trường tổ chức học ghép lớp 1, 2 và 3, 4, 5 với tổng số 32 học sinh. Cách đó chừng 500m, có một lớp học mẫu giáo với khoảng 16 cháu nhỏ cũng sẽ nhập học trong năm học 2020-2021 này.

Gia Lai: Ngược đèo cõng chữ về làng Đê Kôn ảnh 3Những đoạn đường hằng ngày giáo viên dưới xuôi phải ngược đèo cõng chữ về làng Đê Kôn. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Trước mùa tựu trường, các giáo viên phụ trách điểm trường Đê Kôn phải đến vận động học sinh ra lớp. Nghe tiếng bíp còi quen thuộc của 2 chiếc xe máy mà cô giáo hay đi, lũ học trò ùa ra mừng rỡ chào đón. Cô trò gặp lại nhau sau mùa nghỉ hè, cô căn dặn ngày giờ đến lớp, trò nhớ cô, nhớ lớp gật đầu ngoan ngoãn vâng lời. Hai cô giáo quay vào vệ sinh lớp học, còn học trò tự giác đến giúp cô lau bàn ghế, trồng hoa. Tình cảm của trò níu bước chân cô, là động lực cho cô mỗi ngày vượt đèo đến làng dạy chữ.

Để các em bắt kịp kiến thức cùng các bạn, một tuần 2 buổi, cô Linh và cô Thủy ở lại buổi chiều để phụ đạo miễn phí cho các em. Mùa nắng thì yên tâm dạy, mùa mưa, vừa dạy vừa trông trời, nếu trời đổ mưa, cô vội vàng cho các em về nhà rồi nhanh chóng xuống núi, bởi nếu chỉ chậm chân, đêm đó, 2 cô phải ngủ nhờ lại nhà người dân vì đường về trơn, không đi được. Đã nhiều lần phải ở lại làng, nên các cô dần có kinh nghiệm đoán mưa.

Gia Lai: Ngược đèo cõng chữ về làng Đê Kôn ảnh 4Học sinh chăm ngoan là niềm động viên cho thầy, cô mỗi ngày vượt khó khăn đến trường giảng dạy. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Cô Lê Thị Kim Quy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hra số 2 cho biết, đơn vị có 8 điểm trường, nên hàng năm giáo viên phải luân phiên thay đổi địa điểm dạy. Riêng đối với điểm trường Đê Kôn, vì đường đi lại quá khó khăn nên có một giáo viên nam tự nguyện ở lại với làng để dạy các em hơn 10 năm. Hai năm trở lại đây, thầy lập gia đình nên 2 giáo viên nữ xung phong lên dạy điểm trường này. Mặc dù thuộc vùng sâu, vùng xa, điều kiện vật chất thiếu thốn, nhưng học trò ở đây rất hiếu học, chăm ngoan, đảm bảo sĩ số. Đây chính là động lực to lớn để giáo viên vượt khó tiếp tục sự nghiệp trồng người.

Gia Lai: Ngược đèo cõng chữ về làng Đê Kôn ảnh 5Để có thể ngồi dạy chữ cho các em, giáo viên phải vượt qua những đoạn đường khó khăn, vất vả đến trường. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Học trò nghèo xuống núi tìm ước mơ

Làng Đê Kôn, xã Hra có 53 hộ dân với 236 khẩu, 100% là người dân tộc Bahnar, đời sống khó khăn, chưa có điều kiện phát triển sản xuất. Năm 2019, làng có 16 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo. Trong làng có 2 hộ là gia đình có công với cách mạng.

Những năm trước, học sinh làng Đê Kôn chỉ học hết lớp 5 rồi nghỉ vì muốn học tiếp, phải xuống núi. Tín hiệu đáng mừng, năm học 2019-2020, làng Đê Kôn có hơn 20 học sinh cấp 2 từ trên "trượt" núi xuống học bán trú tại trường Trung học cơ sở xã Hra. Đây là thành quả của thầy trò và người dân làng Đê Kôn, vì các em sẽ mang ước mơ, hoài bão của mình đi tìm kiến thức xã hội về phục vụ cho dân làng.

Gia Lai: Ngược đèo cõng chữ về làng Đê Kôn ảnh 6Giáo viên về làng Đê Kôn vận động học sinh ra lớp trước ngày khai giảng. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Em Dếp, lớp 7, Trường Trung học cơ sở xã Hra cho hay, năm nay là năm thứ 2 em xuống núi đi học cùng các bạn. Trước em, các anh, chị trong làng Đê Kôn chỉ học đến lớp 5 là nghỉ ở nhà làm rẫy, rồi lấy vợ, lấy chồng. Hai năm nay, được thầy, cô động viên, cha mẹ đã dành thời gian đưa đón các em đến trường. Đường đi mùa nắng, mùa mưa đều vất vả, khó khăn, có lúc trượt ngã, quần áo lấm lem nhưng các em vẫn quyết đi học để sau này giúp cho làng phát triển hơn. Chúng em chỉ mong Nhà nước làm cho dân làng Đê Kôn con đường để chúng em tự đi học, để không còn cảnh ngã xe, quần áo dơ bẩn khi đến trường.

Để con có được cái chữ, thay đổi cuộc đời, không để con vất vả như đời mình, các ông bố, bà mẹ làng Đê Kôn đã thay nhau chở con đến lớp mỗi ngày, bất chấp khó khăn. Chính vì thế, dù điều kiện thiếu thốn, đường sá hiểm trở, nhưng mỗi học sinh tại làng Đê Kôn đều mang trong mình ước mơ, hoài bão lớn lên sẽ là bác sỹ, giáo viên hay kỹ sư xây dựng để trở về đóng góp sức nhỏ giúp dân làng phát triển hơn.

Gia Lai: Ngược đèo cõng chữ về làng Đê Kôn ảnh 7Học sinh cấp 2 được bố mẹ thồ xuống núi để học bán trú mỗi ngày. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Những ước mơ ấy hàng ngày được các em nung nấu trên con đường đến trường. Dẫu có khó khăn nhưng là chính đáng, ước mơ của các em mỗi ngày càng lớn dần lên vì được bồi đắp bởi sự quan tâm của thầy, cô, chính quyền địa phương.

Một năm học mới đã đến, mỗi sáng, các thầy, cô dưới xuôi lại lặn lội đường xa đến điểm trường làng Đê Kôn, mang niềm vui cho học trò hiếu học; người dân làng Đê Kôn tập trung chở học sinh cấp 2 xuống núi, đến lớp tìm con chữ. Thầy, cô và học trò cũ gặp nhau ở lưng chừng đèo núi, dẫu phía trước khó khăn nhưng vẫn trao cho nhau nụ cười như niềm tin về một ngày mai tươi sáng.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm