Gia Lai ngăn ngừa dịch bệnh lây lan rộng trên đàn vật nuôi

Gia Lai ngăn ngừa dịch bệnh lây lan rộng trên đàn vật nuôi

Tỉnh Gia Lai đang đối mặt với nhiều ổ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc và có nguy cơ lây lan ra diện rộng, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Gia Lai ngăn ngừa dịch bệnh lây lan rộng trên đàn vật nuôi ảnh 1Ngành chức năng huyện Krông Pa (Gia Lai) phun thuốc khử trùng ổ dich tại thôn Quỳnh Phú, xã Ia Rsươm. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, điểm nóng dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại các xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa), Chư Răng (huyện Ia Pa) và bệnh viêm da nổi cục xảy ra rải rác tại các huyện Kbang, Mang Yang, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Để kiềm chế dịch bệnh phát sinh, lây lan ra diện rộng, hạn chế tối đa thiệt hại cho ngành chăn nuôi, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi các tháng cuối năm 2022.

Theo đó, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên đã ký ban hành Công văn số 2121/UBND-NL yêu cầu các địa phương chủ động tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng chống dịch bệnh gồm: viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm, dại trên vật nuôi; bố trí kinh phí kịp thời để mua vaccine hóa chất,… phục vụ phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

Bên cạnh đó, vận động người dân thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, chủ động tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, phòng ngừa dịch bệnh.

Gia Lai ngăn ngừa dịch bệnh lây lan rộng trên đàn vật nuôi ảnh 2Ngành chức năng huyện KrôngPa (Gia Lai) phun thuốc khử trùng chuồng trại khu vực dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: TTXVN

Địa phương nào không thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo chỉ đạo, nếu để xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thủy sản thuộc địa bàn quản lý thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh.

Riêng đối với các huyện Chư Prông, Ia Grai, Đức Cơ tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua khu vực biên giới, cửa khẩu.

Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Krông Pa tập trung huy động nguồn lực để triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát, xử lý nhanh các ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn; thiết lập các chốt kiểm soát dịch bệnh (nếu cần thiết); vận động các hộ chăn nuôi khai báo khi có lợn bệnh và triển khai tiêu hủy lợn chết, lợn bệnh, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy định; hướng dẫn vệ sinh, tiêu độc sát trùng; hạn chế lây lan, phát sinh các ổ dịch mới; sớm khống chế dịch bệnh…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh động vật trong nước, trong khu vực, trong tỉnh để kịp thời cảnh báo, hướng dẫn cơ quan chuyên môn địa phương xử lý nhanh, đúng quy định; thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật theo quy định.

Qua ghi nhận tại huyện Krông Pa, ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 3 hộ dân ở thôn Quỳnh Phú, xã Ia Rsươm (huyện Krông Pa) từ ngày 8/9/2022 đến nay, đã làm gần 100 con lợn bị chết. Trao đổi về tình trạng dịch, ông Âu Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa cho biết, ngay khi phát hiện ổ bệnh, UBND huyện Krông Pa đã ban hành Quyết định số 515/QĐ-UBND công bố dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Ia Rsươm.

Theo đó, các vùng bị uy hiếp là các xã Uar, Chư Rcăm, Ia Rsai và vùng đệm là xã Chư Drăng, Chư Gu. Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp chặt chẽ với UBND xã Ia Rsươm triển khai các biện pháp bao vây, khống chế, xử lý triệt để các ổ dịch. Đối với các hộ có lợn bị chết thì tiến hành kiểm đếm, tiêu hủy toàn bộ; phun tiêu độc khử trùng ổ dịch và các khu vực xung quanh. Đồng thời, hướng dẫn địa phương triển khai các biện pháp phòng trừ dịch bệnh.

“Hiện nay, chúng tôi tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi; vận động người dân cam kết không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa khi chưa qua xử lý nhiệt”- ông Âu Thành Trung nhấn mạnh.

Riêng tại địa bàn huyện Ia Pa, 2 ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Chư Răng cũng gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi tại đây. Bà Đoàn Thị Phú Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa cho biết, địa phương có đàn lợn chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình khoảng 8.500 con, tập trung chủ yếu ở các xã Chư Răng, Kim Tân, Ia Mrơn và Ia Trôk. Do đó, ngay sau khi xuất hiện các ổ dịch, cơ quan chuyên môn đã phối hợp với chính quyền các xã tiến hành phun tiêu độc khử trùng, khống chế vùng dịch không để lây lan.

Đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện 5 không: “Không dấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn chết, lợn bệnh; Không giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh; Không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường và Không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt làm nguồn thức ăn cho chăn nuôi”.

Ngoài ra, trung tâm đã tiến hành cấp hóa chất và phun tiêu độc khử trùng trên địa bàn 9 xã của huyện để khoanh vùng và hạn chế thấp nhất khả năng lây lan dịch.

Tỉnh Gia Lai hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm với trên 15.700 con trâu, gần 430.000 con bò, 535.000 con lợn, 4 triệu con gia cầm. Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã tổ chức tiêm phòng trên 176.000 liều vaccine và vận động người dân tiêm phòng trên 8 triệu liều vaccine các loại phòng bệnh cho đàn vật nuôi, do đó dịch bệnh cơ bản được kiểm soát ổn định.

Hoài Nam – Xuân Huy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm