Gia Lai kiến nghị tháo gỡ nhiều chế độ, chính sách cho người dân tộc thiểu số

Nhiều ngôi nhà mới đã được xây dựng tại làng Kon Brung, xã A Yun, huyện Mang Yang -  nơi mà cuộc sống của bà con trước đây vốn rất khó khăn. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Nhiều ngôi nhà mới đã được xây dựng tại làng Kon Brung, xã A Yun, huyện Mang Yang - nơi mà cuộc sống của bà con trước đây vốn rất khó khăn. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Liên quan đến gần 50% dân số toàn tỉnh là người dân tộc thiểu số trên địa bàn đang gặp khó khăn sau khi áp dụng một số chế độ, chính sách mới, tỉnh Gia Lai đã kiến nghị nhiều nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn cho vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Gia Lai kiến nghị tháo gỡ nhiều chế độ, chính sách cho người dân tộc thiểu số ảnh 1Nhiều ngôi nhà mới đã được xây dựng tại làng Kon Brung, xã A Yun, huyện Mang Yang -  nơi mà cuộc sống của bà con trước đây vốn rất khó khăn. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Theo ông Kpă Đô, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, để người dân tộc thiểu số trên địa bàn có thời gian chuẩn bị và các chính sách nhà nước được áp dụng đúng thời gian, đối tượng, UBND tỉnh Gia Lai đã đề nghị cho 19 xã khu vực III và 87 thôn đặc biệt khó khăn của Gia Lai được tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách theo địa bàn đặc biệt khó khăn, đối tượng thụ hưởng đến ngày 31/12/2021 để tránh biến động; từ năm 2022 trở đi, thực hiện theo phạm vi, đối tượng mới. Đối với 89 xã khu vực II biến động giảm khu vực, vì dự toán ngân sách năm 2021 đã được giao cho các địa phương triển khai thực hiện từ đầu năm 2021, do đó, tỉnh Gia Lai đề nghị với Ủy ban Dân tộc cho tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách theo địa bàn khó khăn, đối tượng thụ hưởng cũ đến 31/12/2021 để tránh biến động. Riêng đối với các chính sách hỗ trợ ngành Giáo dục, tỉnh kiến nghị áp dụng chế độ cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn được thực hiện đến hết chu kỳ năm học, tức là đến hết tháng 6/2022.

Ngoài ra, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Ủy ban Dân tộc xem xét, hiệu chỉnh bổ sung số liệu thực tế tại "Dự án Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của tỉnh Gia Lai". Đồng thời, quan tâm, xem xét phân bổ, bố trí kinh phí phù hợp với địa phương, đảm bảo nguồn vốn để đầu tư triển khai "Dự án Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư những nơi cần thiết"; hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với các thôn có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số trên 15% thuộc các xã, phường, thị trấn không được xác định khu vực.

Trước đó, tại Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612 của Ủy ban Dân tộc, tổng số kinh phí thực hiện chế độ, chính sách bị ảnh hưởng biến động giảm do các xã khu vực III, II biến động giảm khu vực; các thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II đã ra khỏi danh sách được phê duyệt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai là gần 130 tỷ đồng với gần 240 nghìn đối tượng thụ hưởng. Trong đó, hơn 200 nghìn đối tượng thụ hưởng chính sách về bảo hiểm y tế. 60-70 vụ việc cần sự trợ giúp pháp lý. Gần 1.900 đối tượng thuộc chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hơn 2.200 đối tượng thuộc chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Gần 9.000 đối tượng thuộc chính sách miễn, giảm học phí từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. Gần 12.000 đối tượng của chính sách Phát triển giáo dục mầm non ở xã có điều kiện kinh tế -xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn bị biến động giảm.

Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã triển khai áp dụng nhiều chính sách, chế độ hiệu quả để ổn định đời sống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn, qua đó, đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho bà con. Theo đó, tính đến đầu tháng 10/2021, Gia Lai có hơn 250 trường hợp người dân tộc thiểu số dương tính với SARS-CoV-2 (tính cả trong tỉnh và đang lao động tại các tỉnh). Cơ quan chuyên môn đã đi thăm và hỗ trợ 22 triệu đồng cho 11 bệnh nhân COVID-19 là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo. Đồng thời, các Sở, ngành liên quan và các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đến nay, tình hình dịch bệnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn được kiểm soát tốt.

Theo tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Gia Lai có 176 xã, phường, thị trấn được phân định khu vực và 384 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và 4 dân tộc (Jrai, Bahnar, Tày Chăm) còn gặp nhiều khó khăn.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm