Gia Lai hướng đến du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn

Biển Hồ, thắng cảnh du lịch nổi tiếng của thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN
Biển Hồ, thắng cảnh du lịch nổi tiếng của thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Trong 5 năm qua, tỉnh Gia Lai tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, du khách và cộng đồng dân cư về phát triển du lịch. Tỉnh đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh; vận động nhân dân tự giác, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hướng đến xây dựng du lịch Gia Lai là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.

Gia Lai hướng đến du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn ảnh 1Biển Hồ, thắng cảnh du lịch nổi tiếng của thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Trên cơ sở Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo ngành chức năng tập trung xây dựng đề án, kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, ưu tiên huy động nguồn lực trong và ngoài ngân sách đầu tư đường giao thông đến các điểm, khu du lịch đã được quy hoạch. Nhờ đó, giai đoạn 2017 - 2021, tổng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh đạt hơn 245 tỷ đồng, tập trung vào những điểm du lịch có khả năng khai thác trước mắt cũng như thuận lợi trong thu hút, kêu gọi đầu tư, như: Khu lâm viên Biển Hồ, Di tích sơ kỳ đá cũ Rộc Tưng, Khu di tích địa cách mạng Khu 10, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, núi lửa Chư Đang Ya…

Tỉnh cũng đẩy mạnh khai thác các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch văn hóa - lịch sử thông qua những lợi thế sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống và hệ sinh thái nông nghiệp. Những điểm đến hấp dẫn, nổi tiếng như: Quảng trường Đại đoàn kết, đồi chè Biển Hồ, hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, thác Hang Dơi, thác K50, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Làng kháng chiến Stơr, Quần thể Tây Sơn Thượng đạo, thủy điện Ia Ly, chùa Minh Thành, chùa Bửu Minh, công viên Đồng Xanh… thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm.

Gia Lai hướng đến du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn ảnh 2Vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Gia Lai với hình ảnh nhà rông và núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Cụ thể, trong 3 năm 2017 - 2019, tốc độ phát triển ngành Du lịch có chuyển biến rõ nét, tổng lượt khách du lịch tăng bình quân 27,8%/năm, tổng thu du lịch tăng 22,6%/năm. Năm 2019, lượng khách du lịch đạt 845.000 lượt, trong đó khách nội địa 830.000 lượt, khách quốc tế 15.000 lượt, tạo ra nguồn thu 510 tỷ đồng. Trong 7 tháng năm 2022, tình hình du lịch của tỉnh khởi sắc trở lại sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tổng lượt khách ước đạt 550.000 lượt, tăng 2 lần so cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế 1.270 lượt, khách nội địa 548.730 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 345 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên khẳng định, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã có sự đổi mới trong nhận thức về tầm quan trọng của kinh tế du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; quan tâm đẩy mạnh triển khai giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Hiệp hội Du lịch tỉnh bước đầu phát huy vai trò cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước - doanh nghiệp và đã có đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh.

Để phát triển du lịch chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên cho rằng, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục vào cuộc, quyết tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã đặt ra. Trong đó, đặc biệt khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch; có chính sách, cơ chế tăng cường xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Tỉnh ưu tiên bố trí vốn cho công tác xây dựng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch... gắn với hình ảnh, thương hiệu đặc trưng của du lịch Gia Lai với du khách trong và ngoài nước.

Nguyễn Hoài Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm