Gia Lai: Giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Gia Lai: Giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Với tỷ lệ dân số gần 50% là người dân tộc thiểu số, tỉnh Gia Lai đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách dân tộc theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP (Nghị định 05), góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 40,18% (đầu năm 2016) xuống còn 11,14% (cuối năm 2020), bình quân mỗi năm giảm 5,8%.

Tập trung phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội


Trong giai đoạn 2016-2020, các chương trình, dự án theo Nghị định 05 tại Gia Lai được cụ thể hóa, tập trung đầu tư có trọng điểm kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, các thôn, làng, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, vùng dân tộc thiểu số; từng bước thay đổi diện mạo nông thôn gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới, đồng thời giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai Kpa Đô, giai đoạn này, tỉnh đã sắp xếp ổn định cho gần 2.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng thiên tai, dân di cư tự do với tổng kinh phí ước thực hiện khoảng 280 tỷ đồng. Riêng năm 2016-2018, tỉnh bố trí hơn 34 tỷ đồng (không kể vốn vay từ ngân hàng chính sách hơn 27 tỷ đồng) hỗ trợ chăn nuôi cho gần 2.000 hộ; cung cấp nước sinh hoạt phân tán cho hơn 3.300 hộ; duy tu bảo dưỡng hơn 200 công trình công cộng cho hơn 12.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong chính sách đầu tư phát triển bền vững của Nghị định 05, tổng nguồn lực huy động thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 tại Gia Lai là hơn 20.000 tỷ đồng. Trong đó, gần 19.000 tỷ đồng dành cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với sự quan tâm, sâu sát và cách thức thực hiện có trọng tâm, đến hết năm 2020, Gia Lai đã có 2 thị xã, 1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 88 xã, 97 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng đối với chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững được hỗ trợ đầu tư gần 1.200 tỷ đồng, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn các thôn, xã, huyện nghèo.

Kết quả thực tế, đến nay, 100% xã của tỉnh Gia Lai có đường nhựa hóa, bê tông hóa ô tô đến trung tâm xã; từ 70% - 80% thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa; 90% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; hơn 97% trạm y tế cấp xã đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; trên 94% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Các chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số cũng được tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tận dụng nguồn lực người uy tín trong việc tuyên truyền chính sách Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao kiến thức phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh quốc phòng và giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc tại địa phương. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cũng được quan tâm, bảo tồn và phát triển. Một số nghi lễ, lễ hội được tỉnh tổ chức phục dựng, như Lễ mừng nhà rông mới của người Bahnar, Lễ cầu mưa của dân tộc Jrai, Lễ cúng bến nước. Đến cuối năm 2020, Gia Lai có 8 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, nâng tổng số Nghệ nhân ưu tú toàn tỉnh lên 23 người; có thêm 12 di tích được xếp hạng, nâng tổng số di tích được xếp hạng toàn tỉnh lên 29 di tích (14 quốc gia, 15 cấp tỉnh).

Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng với sự đầu tư của Nhà nước về lĩnh vực giáo dục, hiện tại, Gia Lai đã có hơn 50% trường đạt chuẩn quốc gia, 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân. Qua đó, chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh có 17/17 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đạt chuẩn xóa mù chữ. Số trường học đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh Gia Lai hiện nay là 384/760 trường, tăng gần 27% so với năm 2015.

Sau khi định hướng giáo dục cho thế hệ trẻ, Gia Lai tập trung triển khai công tác đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, xem đây là một giải pháp quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong 5 năm (2016 – 2020), tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo cho gần 60.000 người, trong đó người dân tộc thiểu số là gần 26.000 người, chiếm 43%, đáp ứng nhu cầu của người học và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 30,4% năm 2016 lên 35,7% năm 2020. Cũng trong giai đoạn này, Gia Lai đã giải quyết việc làm cho hơn 50.000 lao động là người dân tộc thiểu số, trong đó đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hơn 1.300 lao động.

Để góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và nhân dân trong tỉnh nói chung, tỉnh Gia Lai còn có những hợp tác quốc tế về công tác dân tộc. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh tiếp nhận, thực hiện 24 dự án phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị cam kết hơn 100 tỷ đồng. Tiếp nhận 14 chương trình, khoản hỗ trợ phi dự án có yếu tố nước ngoài với tổng giá trị cam kết thực hiện gần 5 tỷ đồng. Các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tập trung triển khai tại các vùng sâu, vùng sa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dễ bị ảnh hưởng của thiên tai.

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, kết quả thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Gia Lai đã đem lại hiệu quả cao, giải quyết được những khó khăn, nhu cầu cần thiết và các vấn đề cơ bản nhất đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần định cư, đảm bảo cuộc sống của người dân.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm