Gia Lai ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, Gia Lai đã ghi nhận 3.160 ca mắc sốt xuất huyết; trong đó có một trường hợp tử vong (nữ, sinh năm 1981, thôn Hòa Bình, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, Gia Lai).

Bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 31/8 và điều trị tại nhà đến ngày 3/9; sau đó vào Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Gia Lai, được điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới nhưng không thuyên giảm. Ngày 6/9, bệnh trở nặng, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Ngày 7/9, bệnh nhân tử vong, chẩn đoán sốc sốt xuất huyết/Dengue nặng, suy đa tạng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thu thập mẫu huyết thanh của bệnh nhân tại bệnh viện gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để làm xét nghiệm. Kết quả, mẫu dương tính với tuýp virus Dengue I. Đơn vị đã thông báo về ca bệnh để Trung tâm Y tế huyện Chư Prông, Trạm Y tế xã Bàu Cạn phối hợp điều tra xác minh, điều tra véc-tơ, giám sát vệ sinh môi trường tại thôn Hòa Bình để triển khai các biện pháp phòng, chống xuất huyết theo quy định.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Gia Lai đang mùa mưa, thuận lợi cho sự phát triển của véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tập trung nhiều nhất tại các huyện: Đức Cơ (598 ca), Chư Prông (440 ca), Krông Pa (353 ca), thành phố Pleiku (346 ca)… Dịch bệnh xảy ra tại ở 186/220 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố.

Toàn tỉnh hiện còn 174 ổ dịch sốt xuất huyết chưa được khống chế. Để hạn chế thấp nhất những ca bệnh trở nặng, công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn cần có sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời từ chính quyền địa phương các cấp, ngành Y tế, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội để triển khai các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng.

Hồng Điệp

Tin liên quan

An Giang giám sát, xử lý kịp thời các ổ bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng

Từ đầu năm đến ngày 15/9, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh An Giang so với cùng kỳ năm trước song số ca bệnh tay chân miệng lại có dấu hiệu tăng. Hiện ngành Y tế An Giang đang tập trung nhiều giải pháp phòng chống bệnh; tăng cường giám sát, xử lý kịp thời các ổ bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, hạn chế số ca tử vong.


Sốt xuất huyết gia tăng với hơn 66.000 ca mắc, 14 bệnh nhân tử vong

Ngày 30/8, Bộ Y tế cho biết, theo kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo của các địa phương, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là tình hình bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội và tình hình bệnh tay chân miệng tại khu vực miền Nam.


Sốt xuất huyết - biểu hiện và cách phòng bệnh

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Tại Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.



Đề xuất