Gia Lai chuyển đổi sản xuất thích ứng với tình hình dịch

Để thích ứng dịch bệnh trong giai đoạn mới, nông dân vùng trọng điểm rau Đăk Pơ đã thay đổi phương án sản xuất nhằm duy trì hoạt động và tiêu thụ sản phẩm. Phương án hữu hiệu đang được nông dân Đăk Pơ chú trọng là chuyển đổi sang trồng các loại củ quả, giảm dần diện tích rau ăn lá.

Gia Lai chuyen doi san xuat thich ung voi tinh hinh dich hinh anh 1Nông dân Đăk Pơ (Gia Lai) chuyển đổi sang trồng các loại củ, quả. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Tại vùng trọng điểm rau Đăk Pơ, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Trường Phát đang liên kết với hàng trăm hộ dân cung ứng rau, củ, quả cho 7 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với sản lượng tiêu thụ trên dưới 30 tấn/tháng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 tới nay, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát khiến việc tiêu thụ bị gián đoạn, sản phẩm rau không còn đầu ra. Để ổn định sản xuất, giảm thiệt hại, đơn vị đã hướng dẫn và cùng nông dân cơ cấu lại sản xuất, chuyển đổi sang trồng các loại củ quả, giảm dần diện tích rau ăn lá.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Trường Phát, huyện Đăk Pơ cho biết, nhằm giảm rủi ro, hợp tác xã đã định hướng cho bà con canh tác hàng trái nhiều hơn. Ngoài ra, hợp tác xã sẽ mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử như Sendo.vn, Voso.vn, PostMart.vn, Shopee.vn để dần tiếp cận, làm quen với hình thức tiêu thụ sản phẩm mới.

Anh Nguyễn Văn Sang, xã Tân An, huyện Đăk Pơ chia sẻ, thời gian qua, gia đình đã xới đất rồi lại bỏ không xuống giống vì không có người thu mua, không có xe vận chuyển. Trước kia gia đình anh chuyên trồng rau húng giờ chuyển sang trồng hành và hy vọng sẽ có đầu ra ổn định.

Đồng hành với nông dân, đầu tháng 9 tỉnh Gia Lai đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ lưu thông, tiêu thụ hàng hoá, nông sản trong tình hình dịch COVID-19. Qua đó, triển khai nhiều phương án về xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, tìm đầu ra cho nông sản, đẩy mạnh triển khai thương mại điện tử trên các sàn nông sản.

Đối với vùng chuyên canh rau quả có diện tích trên 6.000 ha như Đắk Pơ, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, địa phương cũng đã chủ động trong việc tìm đầu ra ổn định cho bà con nông dân.

Theo ông Nguyễn Trường, Chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ, thời gian qua, địa phương đã hỗ trợ và hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp và vận tải tăng cường kết nối với các thị trường có thể cung cấp hàng hoá để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Cùng với đó, để hàng hóa lưu thông ổn định, địa phương cũng đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp vận tải và đảm bảo người dân thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Việc chủ động thích ứng từ phía nông dân cùng với những định hướng kịp thời của các cấp chính quyền, tình trạng ùn ứ hàng nông sản, nhất là mặt hàng rau xanh đã cơ bản được giải quyết.

Đặc biệt, từ khi các tỉnh thành có cơ chế thông suốt cho “luồng xanh”, việc sản xuất, cung ứng rau tại vùng chuyên canh rau Đăk Pơ đã nhộn nhịp trở lại. Điều này vừa đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm mà còn ổn định sản xuất cho hàng nghìn nông hộ trên địa bàn.

Nguyễn Hoài Nam

Tin liên quan

Phú Yên chuyển đổi sản xuất phù hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu

Phú Yên là tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, có đặc điểm về khí hậu và địa hình rất phức tạp, hàng năm phải hứng chịu nhiều dạng thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như: bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lở bờ sông, triều cường, lốc xoáy… Những tác động của biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp của người dân. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đang triển khai các giải pháp chuyển đổi sản xuất để đảm bảo sinh kế cho người dân một cách bền vững.



Đề xuất