Gia Lai chú trọng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Gia Lai chú trọng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 318 hợp tác xã đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, 504 tổ hợp tác và 2 liên hiệp hợp tác xã đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng cùng mức lãi bình quân đạt từ 30 - 400 triệu đồng/năm. Qua đó đã tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và đem lại lợi ích cho thành viên.

Gia Lai chú trọng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ảnh 1Dây chuyền sản xuất chanh leo của Công ty TNHH Quicornac (tại xã Trà Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Đặc biệt, việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần rất lớn trong việc cung ứng dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất, mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh; một số hợp tác xã đã tổ chức được dịch vụ “đầu ra” tiêu thụ nông sản cho nhân dân, góp phần giải quyết việc làm, ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội chung cho tỉnh Gia Lai.

Gia Lai có số lượng thành viên hợp tác xã lớn với hơn 18.163 người, 2 liên hiệp hợp tác xã với 9 hợp tác xã thành viên cùng trên 4.435 thành viên tổ hợp tác. Thu nhập bình quân của lao động trong các lĩnh vực này cũng tương đối cao, khoảng 38 triệu đồng/tháng đối với thành viên hợp tác xã; 400 triệu đồng/năm đối với liên hiệp hợp tác xã.

Hiện nay, tỉnh Gia Lai đang có khoảng 136.604 ha diện tích các loại cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 81 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác; trên 22.663 hộ nông dân và 42 doanh nghiệp tham gia đầu chuỗi tham gia liên kết. Thông qua việc liên kết giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với các hộ nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan trong tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm (sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản) đã có sự chuyển biến tích cực.

Điển hình là chuỗi liên kết do Công ty TNHH Vĩnh Hiệp làm đầu chuỗi, đã hình thành quy mô liên kết cà phê là 20.000 ha (quy trình 4C: 10.000 ha, quy trình UTZ: 1.241 ha, quy trình Organic: 45 ha) và 8.714 ha với 10 hợp tác xã và trên 7.000 hộ nông dân trồng cà phê trực tiếp trên địa bàn 6 huyện và cho ra sản lượng thu mua hàng năm đạt 70.000 tấn cà phê nhân; Tập đoàn Lộc Trời đã liên kết trên 1.242 ha (1.013 ha cây ngô sinh khối và 229,6 ha lúa nước), với 8 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác trên địa bàn 9 huyện, thị xã; Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai đang thực hiện liên kết 2.090,6 ha, với 5 hợp tác xã, 71 tổ hợp tác và 1.075 hộ nông dân tham gia, triển khai trên địa bàn 12 huyện, thị xã…

Mặc dù tình hình phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có bước tiến triển mạnh về số lượng lẫn chất lượng nhưng vẫn tồn tại các hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh còn yếu, thiếu tính ổn định, năng lực cạnh tranh yếu, thiếu nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ, phương thức hoạt động kinh doanh chưa phù hợp và chưa theo kịp với sự phát triển chung của thị trường. Việc chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm còn yếu. Các hợp tác xã hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu hoạt động các dịch vụ “đầu vào”, số hợp tác xã làm dịch vụ “đầu ra” còn hạn chế.

Vì thế, trong năm 2023, tỉnh Gia Lai tiếp tục củng cố, đẩy mạnh hoạt động hiệu quả của các hợp tác xã hiện có. Mục tiêu đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 390 hợp tác xã với 18.257 thành viên, 529 tổ hợp tác và 3 Liên hiệp hợp tác xã với 13 hợp tác xã thành viên. Đặc biệt, tỉnh Gia Lai tập trung phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác có chất lượng với tỷ lệ cán bộ quản lý tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 34% trên tổng số cán bộ quản lý; khoảng 48% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến cuối năm 2023 cả tỉnh có trên 8,8 % hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 31% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cũng kiên quyết thực hiện giải thể dứt điểm các hợp tác xã ngưng hoạt động trong thời gian dài nhưng chưa giải thể thuộc diện vướng mắc có thể xử lý được.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện nghiêm các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đề ra trong năm 2023. Cụ thể, tập trung tuyên truyền, tập huấn pháp luật về kinh tế tập thể, hợp tác xã; huy động và ưu tiên các nguồn lực để thực hiện chính các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã như nguồn vốn vay ưu đãi, hợp tác đầu tư, tiếp cận các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thông tin, khoa học kỹ thuật…; rà soát, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong cải cách hành chính, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức…

Tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu sở, ban ngành đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, hợp tác xã có chất lượng; phát huy vai trò của Liên minh hợp tác xã tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hội, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cùng như huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã….

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm