Gia Lai chú trọng phát triển các vùng đặc biệt khó khăn

Gia Lai chú trọng phát triển các vùng đặc biệt khó khăn
Công trình trường học khang trang được tỉnh Gia Lai đầu tư xây dựng tại làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dư Toán – TTXVN.
Công trình trường học khang trang được tỉnh Gia Lai đầu tư xây dựng tại làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Dư Toán – TTXVN.

Nằm cách xa trung tâm huyện KBang hơn 80km, xã Kon Pne, được biết đến với cái tên “ốc đảo”, bởi nơi đây nằm giữa những dãy núi và gần như biệt lập với các khu vực khác trong huyện. Đây là nơi sinh sống của hơn 600 hộ dân người đồng bào Bhanar, với điều kiện sinh sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Trước năm 2004, không điện, không đường, không trường, không trạm, mọi sinh hoạt của nhân dân nơi đây phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, trẻ em không được đến trường, không được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước.

Năm 2004, đoạn đường 80km vào xã Kon Pne được tỉnh Gia Lai đầu tư, bê tông hóa, giúp cho người dân đi lại thuận tiện và dễ dàng hơn. Một năm sau, Công ty Điện lực Gia Lai cũng hoàn thành đầu tư 28,4 km đường dây trung thế, 1,6 km đường dây hạ thế và 3 trạm biến áp phân phối, đưa điện lưới quốc gia đến với người dân xã Kon Pne. Nhờ đó, bộ mặt của xã được thay đổi, các tuyến đường được kiên cố hóa, trường học, trạm y tế, nhà rông văn hóa, trạm thu phát truyền hình… đã hoàn thiện để phục vụ nhân dân.

Anh Đinh Khiu, làng Kon Ktonh, xã Kon Pne cho biết, trước đây, khi chưa có đường, người dân trong xã muốn đi ra trung tâm huyện KBang đều phải vượt qua quãng đường rừng đầy khó khăn. Muốn được đi học, anh Khiu cũng phải đi bộ mất hai ngày mới đến được điểm trường gần nhất để học. Nếu ai bị ốm đau, bệnh tật đều tìm đến thầy lang, vì không thể đưa đến bệnh viện điều trị.

Đường làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai được tỉnh Gia Lai đầu tư xây dựng giúp bà con đi lại thuận tiện hơn. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Đường làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai được tỉnh Gia Lai đầu tư xây dựng giúp bà con đi lại thuận tiện hơn. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

“Bây giờ mọi thứ đều đã được thay đổi rõ rệt. Có điện, đường, trường, trạm nên mọi sinh hoạt của người dân trong xã đã thuận tiện hơn rất nhiều. Thế hệ con mình bây giờ không phải băng rừng đi học nữa, mà còn có thể xem ti vi, đọc sách báo, mở mang kiến thức để sau này góp ích cho quê hương”, anh Đinh Khiu vui vẻ nói.

Ông Trương Văn Tư, Bí thư Đảng ủy xã Kon Pne chia sẻ, cùng với sự đầu tư của tỉnh và các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như nỗ lực của người dân địa phương, đến nay, xã Kon Pne đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/người/năm. Chất lượng giáo dục được nâng lên, trẻ em đều được đến trường, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày càng được chú trọng, 100% hộ dân đã có điện chiếu sáng, 100% đường nội thôn được bê tông hóa, đời sống của nhân dân không chỉ được nâng cao về vật chất mà cả tinh thần, các tập tục lạc hậu đã dần được xóa bỏ.

Trong khi đó, làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai là một trong những ngôi làng nghèo nhất của tỉnh. Trước đây, để đến với Pờ Yầu, chỉ có một con đường độc đạo với chiều dài 7 km xuyên rừng từ Tỉnh lộ 666. Vào mùa mưa, con đường đất trở nên lầy lội, trơn trượt khiến việc đi lại gần như không thể diễn ra, Pờ Yầu bị tách biệt gần như hoàn toàn với các địa phương khác trong xã, trong huyện. Nền kinh tế của gần 130 hộ dân người Banar làng Pờ Yầu theo hướng tự cung tự cấp, nông nghiệp lạc hậu nên hiện nay, 85% hộ dân tại đây vẫn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Người dân “ốc đảo” Kon Pne giờ đây đã có điện, nước đầy đủ, phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Dư Toán – TTXVN.
Người dân “ốc đảo” Kon Pne giờ đây đã có điện, nước đầy đủ, phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Dư Toán – TTXVN.
Cuối năm 2019, tỉnh Gia Lai tiến hành xây dựng tuyến đường huyết mạch lên đỉnh Pờ Yầu, với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng. Đến nay, tuyến đường đã cơ bản được hoàn thành, giúp cho việc đi lại của người dân dễ dàng, thuận lợi hơn. Cùng với việc ngành điện Gia Lai đã đưa ánh sáng điện lưới quốc gia lên đỉnh Pờ Yầu từ năm 2005 và sự đầu tư của xã Lơ Pang để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng của làng, đời sống nơi đây ngày một phát triển.

Ông A Yur, Bí thư Chi bộ làng Pờ Yầu vui mừng cho biết: “Trước đây, đời sống của dân làng chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, hàng hóa sản xuất ra không bán được, chủ yếu tự cung, tự cấp nên đói, nghèo cứ đeo bám mãi; con em thì bỏ học giữa chừng, người dân đau ốm thì không được chữa trị kịp thời… Bây giờ, có đường bê tông thông suốt, có điện sử dụng rồi nên nhân dân làng Pờ Yầu rất vui mừng. Dân làng chúng tôi hứa sẽ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững”.

Ông Lê Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết, trong thời gian tới, huyện cùng với Đảng bộ và nhân dân xã Lơ Pang sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực, tập trung đầu tư để cho làng sớm thoát nghèo và đã ban hành kế hoạch riêng để đưa làng Pờ Yầu ra khỏi làng nghèo nhất của tỉnh Gia Lai trong năm 2021; trong đó, ưu tiên nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất.

Đường vào “ốc đảo” Kon Pne – địa phương xa nhất của huyện KBang được bê tông hóa, giúp người dân đi lại dễ dàng. Ảnh: Dư Toán – TTXVN.
Đường vào “ốc đảo” Kon Pne – địa phương xa nhất của huyện KBang được bê tông hóa, giúp người dân đi lại dễ dàng. Ảnh: Dư Toán – TTXVN.

“Sắp tới, huyện sẽ chỉ đạo chính quyền xã Lơ Pang và các cơ quan chuyên môn tập trung hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tăng cường hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả… Đồng thời, chú trọng đầu tư, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của người dân tộc Bahnar, từng bước đưa làng Pờ Yầu trở thành làng du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tiến tới đưa làng Pờ Yầu thoát nghèo”, ông Lê Trọng cho biết thêm.

Nhờ việc nỗ lực đổi thay và phát triển các vùng đặc biệt khó khăn, giờ đây, 100% làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được định cư và cơ bản được giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất; 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, 99,76% hộ gia đình được sử dụng điện; 93% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 8,16% so với năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 49,8 triệu đồng/người/năm; bộ mặt nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày một khởi sắc, cuộc sống của nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc.
Dư Toán

Có thể bạn quan tâm