Gia Lai: Các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nhạy bén với thị trường

Chăm sóc cây chanh leo. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN
Chăm sóc cây chanh leo. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Thích ứng, nhạy bén với xu thế phát triển tất yếu của nền kinh tế thị trường, các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác… tại Gia Lai đã và đang “lột xác” mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Gia Lai đã vươn đến các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Gia Lai: Các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nhạy bén với thị trường ảnh 1Chăm sóc cây chanh leo. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Có thể kể đến trường hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp Gia Lai, doanh nghiệp này mang về hàng tỷ USD nhờ xuất khẩu cà phê sang các nước EU.

Để có được thành tựu này, công ty đã hình thành được chuỗi liên kết quy mô trên 20.000 ha (quy trình 4C: 10.000 ha, quy trình UTZ: 1.241 ha, quy trình Organic: 45 ha) với 10 hợp tác xã và trên 7.000 hộ nông dân trồng cà phê trực tiếp trên địa bàn 6 huyện và cho ra sản lượng thu mua hàng năm đạt 70.000 tấn cà phê nhân.

Những vườn cây cà phê hữu cơ “kiểu mẫu” được quy hoạch bài bản hội tụ nhiều yếu tố “sạch” như cách xa các khu sản xuất của người dân, vườn cây được bao bọc bởi hệ thống cây xanh, xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt có kiểm soát đầu vào của nguồn nước… đã tạo ra được nguồn nguyên liệu đảm bảo.

Gia Lai: Các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nhạy bén với thị trường ảnh 2Nhiều diện tích cà phê kém hiệu quả tại Gia Lai được chuyển đổi trồng chanh leo xen canh cho thu nhập cao. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp cho rằng, khi nhu cầu thị trường khắt khe hơn, người tiêu dùng hướng đến sản phẩm có lợi cho sức khỏe, thì người dân, doanh nghiệp trồng cà phê phải thay đổi để đáp ứng.

Để làm được điều này, không thể “mạnh ai nấy làm” như trước mà phải hợp tác, liên kết với nhau. Như vậy, sản xuất nông nghiệp mới bền vững, sản phẩm không bị ép giá…

Bên cạnh cây cà phê, những năm gần đây, cây chanh leo tại Gia Lai đang phát triển một cách mạnh mẽ, đóng góp rất lớn vào tỷ trọng phát triển kinh tế của địa phương này. Nhiều mô hình liên kết phát triển cây chanh dây hiệu quả, bền vững giữa doanh nghiệp và người dân đã và đang khẳng định vị thế của “cây triệu đô”.

Gia Lai: Các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nhạy bén với thị trường ảnh 3Quả chanh leo cho hiệu quả kinh tế cao tại Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Điển hình là mô hình liên kết của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai trên diện tích hơn 2.090,6 ha với 5 hợp tác xã, 71 tổ hợp tác và 1.075 hộ nông dân trải rộng trên địa bàn 12 huyện, thị xã… Từ các mô hình liên kết này, công ty đã thu mua hàng nghìn tấn quả chanh dây với giá ổn định 50 - 60%.

Ông Đinh Văn Tĩnh, Phó Giám đốc Doveco Gia Lai cho biết, các sản phẩm chế biến từ chanh dây rất có tiềm năng phát triển. Do vậy, phía công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, tăng cường liên kết với hợp tác xã, người dân… trong phát triển diện tích cây chanh dây. Bên cạnh đó, để người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác yên tâm gắn bó với nhà máy, nhiều chính sách về giá, vùng nguyên liệu cũng được công ty công khai, đảm bảo hài hoà lợi ích đôi bên.

Có thể thấy, dù hai năm trở lại đây, nền kinh tế chung của đất nước gặp nhiều khó khăn và thách thức bởi đại dịch COVID-19. Thế nhưng, ngành nông nghiệp tại Gia Lai vẫn cho thấy dấu hiệu của sự khởi sắc với những loại cây trồng chủ lực thông qua các mô hình liên kết phát triển.

Hàng trăm mô hình liên kết như tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân đã tạo ra khối lượng việc làm rất lớn, tạo thu nhập ổn định cho người lao động, thành viên của các mô hình liên kết. Đặc biệt, các mô hình liên kết đã giải được bài toán “đầu ra” đa dạng cho sản phẩm với các thị trường phong phú, ổn định. Từ đó, vị thế của nhiều loại cây trồng quen thuộc ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung ngày càng đứng vững.

Ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đánh giá, trong thời gian qua, các mô hình liên kết, chuỗi liên kết bằng các hình thức như hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác đã có sự chuyển biến tích cực và bước đầu có những đạt được kết quả đáng ghi nhận, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, Gia Lai đang có khoảng 136.604 ha diện tích các loại cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 81 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác; trên 22.663 hộ nông dân và 42 doanh nghiệp tham gia đầu chuỗi tham gia liên kết. Phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị ngày càng phát huy hiệu quả và được các cấp, ngành chú trọng, tạo điều kiện phát triển.

Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 318 hợp tác xã đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, 504 tổ hợp tác và 2 liên hiệp hợp tác xã đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng cùng mức lãi bình quân đạt từ 30 - 400 triệu đồng/năm.

Với số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác nên tại Gia Lai có số lượng thành viên hợp tác xã lớn với hơn 18.163 người, 2 liên hiệp hợp tác xã với 9 hợp tác xã thành viên cùng trên 4.435 thành viên tổ hợp tác. Thu nhập bình quân của lao động trong các lĩnh vực này khoảng 38 triệu đồng/tháng đối với thành viên hợp tác xã; 400 triệu đồng/năm đối với liên hiệp hợp tác xã.

Theo ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, trong năm 2023, tỉnh tiếp tục củng cố, đẩy mạnh hoạt động hiệu quả của các hợp tác xã hiện có. Mục tiêu đến cuối năm 2023, Gia Lai có khoảng 390 hợp tác xã với 18.257 thành viên, 529 tổ hợp tác và 3 Liên hiệp hợp tác xã với 13 hợp tác xã thành viên.

Gia Lai: Các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nhạy bén với thị trường ảnh 4Nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả tại Gia Lai được chuyển đổi trồng rau củ cho thu nhập cao. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Đặc biệt, Gia Lai tập trung phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác có chất lượng với tỷ lệ cán bộ quản lý tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 34%; khoảng 48% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề.

Gia Lai cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến cuối năm 2023 có trên 8,8 % hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, khoảng 31% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Gia Lai là địa phương có diện tích lớn thứ 2 cả nước, khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây phù hợp để phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Gia Lai vốn được mệnh danh là thủ phủ của các mặt hàng nông sản ở khu vực Tây Nguyên. Để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, ổn định bền vững diện tích cây trồng, giữ vững thị trường… nhiều đơn vị, tổ chức đã tìm kiếm con đường phát triển bằng nhiều mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác. Những mô hình này đang dần khẳng định hướng đi đúng đắn trong bối cảnh ngành nông nghiệp có nhiều biến động.

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm