Gia Lai biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2019

Gia Lai biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2019
Trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhận tiêu biểu. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN
Trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhận tiêu biểu. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN
Tại Gia Lai, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần hình thành nên các vùng sản xuất chuyên canh, những cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết đồng bộ từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhiều hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã đại diện cho nông dân ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp nhằm tạo vùng sản xuất lớn, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng phù hợp với thế mạnh từng địa phương. Điển hình như: 22 cánh đồng mía lớn diện tích hơn 245 ha tại huyện Kông Chro, 6 cánh đồng mía lớn hơn 500 ha tại huyện Đăk Pơ, 24 cánh đồng lúa một giống 1.200 ha tại huyện Phú Thiện… Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các mặt hàng nông sản. Qua rà soát, giai đoạn 2017 - 2019, bình quân hàng năm số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp của tỉnh Gia Lai đạt trên 62.500 hộ, chiếm hơn 71% số hộ đăng ký, tăng 6.356 hộ so với giai đoạn 2014 - 2016. Hầu hết, các hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong tỉnh mong muốn thoát nghèo, năng động, sáng tạo, đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Họ cũng chính là những nhân tố chủ lực chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng sản xuất, tạo thêm việc làm và tích cực xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Theo đó, hàng năm, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã giúp trên 300.000 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về vốn, cây, con giống, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm… trị giá trên 23 tỷ đồng; tạo việc làm tại chỗ cho gần 700.000 lao động, trong đó trên 240.000 lao động có việc làm thường xuyên, hơn 450.000 lao động theo thời vụ, với mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình, đối tượng sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hội Nông dân các cấp tập trung xây dựng, nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến phù hợp với từng vùng đất để phát huy tối đa hiệu quả kinh tế…
        Nguyễn Hoài Nam

Có thể bạn quan tâm