Gia Lai bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

Các cô gái Bahnar đang chỉ dạy cách chơi đàn T'rưng cho các em học sinh. Ảnh: Quang Thái - TTXVN
Các cô gái Bahnar đang chỉ dạy cách chơi đàn T'rưng cho các em học sinh. Ảnh: Quang Thái - TTXVN

Trong hai ngày 14-15/4, trong khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn kết (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai), Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ 2 năm 2023 diễn ra với không gian văn hóa đa sắc màu.

Gia Lai bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Biểu diễn nhạc cụ dân tộc của thiếu nhi nhỏ tuổi đến từ huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Đặc biệt, những lễ hội, ngày hội trong những năm gần đây thu hút sự tham gia của các thế hệ trẻ, người dân ở nhiều lứa tuổi hơn. Họ cùng nhau tham gia diễn tấu đàn goong, đàn T’rưng, cồng, chiêng... Tất cả tạo nên sức sống mới cho văn hóa các dân tộc của địa phương.

Gia Lai bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ 2 - 2023 là nơi nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa dân gian. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Em R’com Siana (16 tuổi, làng Piơm, thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) chia sẻ: Bây giờ có nhiều nét văn hóa hiện đại xuất hiện trong cuộc sống của dân làng, tuy nhiên, văn hóa dân tộc của dân làng, bắt buộc ai cũng phải giữ. Con gái biết chơi đàn T’rưng, múa xoang; con trai biết đánh cồng, chiêng. Vì thế, em và các bạn trong đội văn nghệ của làng luôn ý thức phải gìn giữ và phát huy nét văn hóa này. Thông qua ngày hội văn hóa, chúng em càng tự hào và yêu thêm văn hóa dân tộc.

Gia Lai bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 3Các cô gái Bahnar đang chỉ dạy cách chơi đàn T'rưng cho các em học sinh. Ảnh: Quang Thái - TTXVN

Tại ngày hội, giữa sắc màu văn hóa núi rừng Tây Nguyên Bahnar, Jrai làm chủ đạo, lần đầu tiên những tinh hoa văn hóa của dân tộc Tày phía Bắc hòa quyện cùng văn hóa bản địa Gia Lai. Hình ảnh các cô gái dân tộc Tày “say” cùng điệu xoang Bahnar thêm gắn kết tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em.

Gia Lai bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 4Tinh hoa văn hóa của dân tộc Tày phía Bắc hòa quyện cùng văn hóa bản địa Gia Lai. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Vui hơn, qua mỗi ngày hội, cộng đồng dân tộc Tày ở Gia Lai có dịp tìm được thêm “đồng hương”, kết nạp thêm thành viên để cùng lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Gia Lai bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 5Già làng đang tỉ mẩn truyền dạy nghệ thuật đan lát cho lớp trẻ. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Chị Ngân Thị Thanh (dân tộc Tày, trú tại xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) vui mừng: Ngày hội này rất ý nghĩa, giữa nền văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên. Chúng tôi đại diện cho nền văn hóa phía Bắc trình diễn cảm thấy rất tự hào. Không chỉ được học hỏi, giao lưu với nền văn hóa của người Bahnar, Jrai, qua ngày hội còn tìm thấy được nhiều đồng bào của dân tộc mình, từ đó gắn kết và phát triển thêm thành viên cùng lưu giữ văn hóa.

Gia Lai bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 6Những cô gái Bahnar nhịp nhàng với điệu xoang. Ảnh: Quang Thái - TTXVN

Lần thứ 2 tổ chức, Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai đã thu hút sự tham gia của hơn 700 nghệ nhân đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. "Ngày hội được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn, phát huy, giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai. Đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc nhiều thế hệ trên địa bàn được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động văn hóa, thắt chặt tinh thần đoàn kết", Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai Trần Ngọc Nhung cho biết.

Gia Lai bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 7Em Đặng Thị Minh Châu (lớp 7- Trường THCS Nguyễn Huệ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) tìm hiểu thanh âm của cây đàn Goong. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Tại ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn như tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc, tổ chức trình diễn cồng chiêng, hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc; trình diễn nghệ thuật đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm; trưng bày, giới thiệu đặc sản, ẩm thực địa phương. Cùng với đó, các đơn vị cũng tham gia trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố tiếp sức, ném còn của dân tộc Tày...

Gia Lai bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 8Những chiếc gùi tinh xảo hình thành từ đôi bàn tay của các nghệ nhân. Ảnh: Quang Thái - TTXVN

Dịp này, Bảo tàng tỉnh Gia Lai cũng trưng bày 200 tranh, ảnh giới thiệu vẻ đẹp của con người, thiên nhiên các địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, du khách đến tham quan, vui chơi tại ngày hội còn có cơ hội được giao lưu cùng các nghệ nhân, trải nghiệm hoạt động dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng...

Gia Lai bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 9Em Bùi Gia Huy (lớp 7- Trường THCS Nguyễn Huệ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) tỉ mẩn học cách đan lát. Ảnh: Quang Thái - TTXVN

Giữ mạch nguồn văn hóa dân gian, dân tộc song hành với các nền văn hóa đương đại tại Gia Lai trong thời gian qua đã và đang được những người làm văn hóa dày công thực hiện. Những sân chơi văn hóa, không gian sinh hoạt nghệ thuật cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm… ngày càng xuất hiện nhiều hơn thông qua các chương trình, lễ hội. Chính không gian mở đó là tiền đề để các dân tộc thắt chặt tình đoàn kết, giao lưu văn hóa; góp phần nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa dân gian, dân tộc.

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm