Giá bán lẻ điện tăng 8,36% từ ngày 20/3, điện sinh hoạt cao nhất 2.927 đồng/kWh

Giá bán lẻ điện tăng 8,36% từ ngày 20/3, điện sinh hoạt cao nhất 2.927 đồng/kWh
Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh làm 6 bậc. Bậc 1 từ 0 - 50 kWh được tính giá 1.678 đồng/kWh. Bậc 2 được tính giá 1.734 đồng cho mức tiêu thụ 51 - 100 kWh. Bậc 3 giá bán là 2.014 đồng cho mức tiêu thụ 101 - 200 kWh. Giá bậc 4 là 2.536 đồng cho 201 - 300 kWh. Bậc 5 có giá 2.834 đồng cho 301 - 400 kWh và bậc 6 cao nhất là 2.927 đồng/kWh cho 401 kWh trở lên.
Bộ Công Thương chính thức thông tin về việc tăng giá điện từ 20/3/2019. Ảnh: baotintuc.vn
Bộ Công Thương chính thức thông tin về việc tăng giá điện từ 20/3/2019.
Ảnh: baotintuc.vn
Cùng với giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công Thương cũng quy định giá bán buôn với hộ tiêu dùng thấp nhất 1.646 đồng một kWh cho số điện từ 0 đến 50 kWh và cao nhất 2.871 đồng cho hộ dùng trên 400 kWh. Giá bán điện với các hộ, doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp... được chia theo giờ (bình thường, thấp điểm và cao điểm) và cấp điện áp dưới 6 kV, 22 kV và 110 kV. Mức giá bán lẻ cao nhất cho ngành sản xuất điện áp dưới 6 kV giờ cao điểm là 3.076 đồng một kWh, thấp nhất là 970 đồng vào giờ thấp điểm với cấp điện áp từ 110 kV trở lên. Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, giá điện được tính toán tăng dựa trên các yếu tố đầu vào cũng như chi phí sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Mặt khác, mấy năm gần đây, tăng trưởng phụ tải khoảng 10% mỗi năm - thuộc Top đầu thế giới trong khi GDP tăng trưởng không tương ứng. Tốc độ triển khai các dự án phát điện chậm trễ và để đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng, ngành điện buộc phải huy động các nguồn giá cao như điện khí, than, diesel. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, việc tăng giá điện đã được tính toán đến những tác động đối với kinh tế vĩ mô. Về tác động tới chỉ số giá tiêu dùng, Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê tính toán, với mức tăng giá điện 8,36% sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2019 tăng 3,3 - 3,9%, đảm bảo mục tiêu được Quốc hội thông qua là dưới 4%. Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các chi phí không nằm trong chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN sẽ không được tính toán vào giá điện tăng lần này, đồng thời các số liệu sẽ được các đơn vị kiểm toán thẩm định. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Tin tức về việc chốt công tơ điện như thế nào để tính toán chính xác giá điện trong tháng khi mà thời điểm tăng giá điện diễn ra giữa tháng, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết đã thực hiện theo hướng dẫn của Bộ. Có 2 nhóm khách hàng: Đối với khách hàng sinh hoạt thì giá điện mới áp dụng từ 20/3 sẽ tính quy đổi theo công thức lấy số điện ở ngày ghi chỉ số công tơ, chia cho 30 ngày rồi nhân với số ngày tính theo giá cũ để ra lượng điện tính toán theo giá cũ, nhân số ngày theo giá mới để ra lượng điện tính theo giá mới, công thức không khác lần điều chỉnh giá trước. Còn đối với các hộ tiêu thụ ngoài sinh hoạt thì EVN đã lắp công tơ từ xa, áp dụng công nghệ theo dõi qua mạng, không cần phải đến từng nhà ký biên bản như xưa. Khách hàng không đồng ý thì có phản hồi ngay. Thực tế trong lần tăng giá điện cuối năm 2017, đã có nhiều ý kiến tranh cãi về giá điện tăng vọt khi người dân không nắm được cách tính của EVN. Đầu tháng 3, Bộ Công Thương đã thông tin về việc dự kiến sẽ điều chỉnh giá điện vào cuối tháng. Mức điều chỉnh dự kiến cũng là mức điều chỉnh đã được Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương, ở mức tăng 8,36%. Như vậy từ năm 2010 tới nay, đã có 7 đợt tăng giá điện và lần gần nhất vào ngày 1/12/2017 sau 3 năm giữ giá trước đó. Tại lần tăng giá đó, giá điện tăng từ 1.622,01 đồng/kWh lên 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, phương án tăng giá điện trong khung 5 - 10% sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương.
Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm