Ghi nhận gần 1.300 ca mắc sốt xuất huyết, Quảng Bình nỗ lực triển khai dập dịch

Ghi nhận gần 1.300 ca mắc sốt xuất huyết, Quảng Bình nỗ lực triển khai dập dịch

Tại tỉnh Quảng Bình, số ca mắc sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng, tập trung chủ yếu tại các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới. Trước tình hình đó, ngành Y tế Quảng Bình, chính quyền địa phương, người dân trong tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng tránh, kịp thời khoanh vùng dập dịch, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Những ngày này, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch liên tục tiếp nhận các bệnh nhân bị sốt xuất huyết đến điều trị với biểu hiện như sốt cao, đau đầu, cơ thể mệt mỏi, nhức 2 hốc mắt, đau bụng, buồn nôn…

Anh Hoàng Thanh Hải, trú tại thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch cho biết, anh bị sốt gần 2 ngày, người rất mệt, đau nhức khắp cơ thể, đã uống hạ sốt nhưng không giảm. Để đảm bảo an toàn, anh đã đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch để khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán anh mắc sốt xuất huyết và cần nhập viện điều trị.

Bác sĩ Hoàng Minh Từ, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch thông tin, đơn vị đang điều trị cho gần 50 bệnh nhân sốt xuất huyết. Trên địa bàn huyện có 14/28 xã, thị trấn ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện, trong đó chủ yếu ở thị trấn Hoàn Lão, các xã Đại Trạch, Đồng Trạch, Vạn Trạch, Trung Trạch… Khoa đã bố trí 60 giường bệnh đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu điều trị. Đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực khắc phục khó khăn, tăng công suất làm việc, vừa chăm sóc điều trị cho bệnh nhân, vừa hỗ trợ cơ sở trong công tác ứng phó với dịch bệnh.

Ghi nhận gần 1.300 ca mắc sốt xuất huyết, Quảng Bình nỗ lực triển khai dập dịch ảnh 1Những ngày này, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch, Quảng Bình, số bệnh nhân đến thăm khám và nhập viện điều trị vì bị sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng. Ảnh: TTXVN phát

Bác sĩ Hoàng Minh Từ khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch, nằm ngủ trong màn, mùng. Nếu có biểu hiện bệnh đến ngay cơ sở y tế để khám và được tư vấn kịp thời. Người dân nên giữ gìn vệ sinh môi trường, chỗ ở sạch, thoáng, diệt loăng quăng...

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 1.300 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tập trung chủ yếu tại huyện Lệ Thủy với hơn 430 ca, Bố Trạch hơn 300 ca, Quảng Ninh 200 ca, thành phố Đồng Hới hơn 150 ca… Tuy số ca mắc tăng nhưng đến nay, địa phương chưa ghi nhận trường hợp chuyển biến nặng và tử vong do sốt xuất huyết.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình đã cử Đoàn công tác phối hợp Trung tâm y tế các địa phương triển khai biện pháp phòng, chống; chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, khoanh vùng ổ dịch để xử lý triệt để; cấp phát vật tư, hóa chất, chủ động phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch nhỏ nhằm sớm kiểm soát và dập dịch. Ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách diệt loăng quăng để hạn chế dịch lây lan ra cộng đồng.

Ghi nhận gần 1.300 ca mắc sốt xuất huyết, Quảng Bình nỗ lực triển khai dập dịch ảnh 2Cán bộ y tế cơ sở trên địa bàn Quảng Bình tuyên truyền, hướng dẫn bà con nhân dân cách phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: TTXVN phát

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn tỉnh có 3 địa phương gồm Lệ Thủy, Bố Trạch và Quảng Ninh tình hình sốt xuất huyết có nguy cơ trở thành dịch lớn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Sở Y tế, sự tham mưu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, các địa phương trong tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng, chống sốt xuất huyết theo quy định của Bộ Y tế.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tăng cường giám sát, kịp thời khoanh vùng dập dịch, xử lý triệt để không để dịch bùng phát diện rộng, đặc biệt khống chế ca mắc trong cộng đồng, giảm tải cho tuyến điều trị.

Ghi nhận gần 1.300 ca mắc sốt xuất huyết, Quảng Bình nỗ lực triển khai dập dịch ảnh 3Ngành y tế Quảng Bình chủ động triển khai công tác phòng dịch, phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch nhỏ, vừa, có nguy cơ xảy ra dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: TTXVN phát

Để công tác phòng, chống sốt xuất huyết đạt hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, quan trọng nhất là ý thức của mỗi gia đình, cá nhân. Với phương châm không có loăng quăng không có bệnh sốt xuất huyết, mỗi hộ dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, giữ gìn vệ sinh môi trường sống, không lơ là chủ quan trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn.

Võ Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm