Gấp rút tái cơ cấu toàn diện nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long

Gấp rút tái cơ cấu toàn diện nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long

Thách thức

Nông nghiệp là một điểm sáng thành công trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế từ sau năm 1986 đến nay. Nếu như trước công cuộc đổi mới, hằng năm phải nhập khẩu đến 1 triệu tấn lương thực thì nay, nước ta không chỉ bảo đảm an toàn lương thực, khẩu phần ăn của dân cư đã được cải thiện nhiều và nền nông nghiệp hằng năm đem về hàng chục tỉ USD. Sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của ĐBSCL, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho cả nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tạo việc làm, thu nhập cho cư dân ở khu vực.
 

Nông sản ĐBSCL cần phát triển theo chuỗi giá trị ngành hàng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở TP Cần Thơ.
Nông sản ĐBSCL cần phát triển theo chuỗi giá trị ngành hàng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở TP Cần Thơ.

Về kinh tế - xã hội ở ĐBSCL 40 năm qua, Giáo sư Võ – Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ, nhận định: Vùng tăng sản lượng nông sản dễ - từ thiếu ăn, thiếu mặc chuyển sang dư thừa để xuất khẩu. Nguyên nhân chủ yếu vì chính sách đổi mới quản lý nông nghiệp khuyến khích sản xuất cá thể. Nông dân có thủy lợi, giống mới, vật tư nông nghiệp mua bán tự do, sản xuất theo khả năng của mình nhưng trồng cây, nuôi con bất chấp nhu cầu thị trường. Dù phát triển và đạt thành tựu quan trọng nhưng nông sản vùng ĐBSCL khó tăng chất lượng sản phẩm, vì sản xuất không theo qui định an toàn vệ sinh thực phẩm. Nông dân áp dụng kỹ thuật nuôi trồng theo kinh nghiệm, ít nghiêm túc tuân theo qui trình GAP, mẫu mã sản phẩm không đúng chuẩn GAP nên chất lượng nguyên liệu (lúa, trái cây, rau cải,...) không đạt chuẩn an toàn; thủy sản phát triển, nhưng không bền vững; chăn nuôi phát triển chậm…

Tại Diễn đàn chính sách tiêu thụ hàng nông sản trong bối cảnh hội nhập: Kinh nghiệm từ ĐBSCL, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng: "Cần nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật đau lòng là nông nghiệp ĐBSCL đến nay vẫn chủ yếu sản xuất và xuất khẩu thô (gạo, cá, tôm đông lạnh, trái cây tươi ...), giá trị gia tăng còn thấp. Trong một thế giới hội nhập sâu sắc và liên kết chặt chẽ như hiện nay, các sản phẩm nông sản xuất khẩu của nước ta phần lớn chưa tham gia chuỗi giá trị quốc tế, chưa có hợp đồng dài hạn hay hợp đồng giao sau nên chúng ta xuất khẩu khối lượng lớn nhưng rất bấp bênh và phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường đầy may rủi là xuất khẩu tiểu ngạch hay biên mậu qua Trung Quốc". Nhược điểm sản xuất không theo yêu cầu thị trường, chạy theo số lượng, không coi trọng chất lượng, sản xuất không kết nối với thị trường đã và đang phải trả giá. Đây là hậu quả của quá trình canh tác nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chưa được kết nối với khâu chế biến và tiêu thụ theo tín hiệu thị trường thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Nông dân tự cho mình có quyền tự do quyết định theo thói quen hay tâm lý đám đông, tự quyết định canh tác, sản xuất, doanh nghiệp có lợi mới mua, không có sự ràng buộc. Chính việc mất cân đối cung - cầu tạm thời trong thời điểm nhất định đã dẫn đến việc được mùa nhưng mất giá triền miên trong nhiều năm qua, nông dân luôn là người bị thua thiệt. Thành quả lao động cực nhọc của nông dân chưa được bù đắp tương xứng.

Phải gấp rút tái cơ cấu

ĐBSCL và cả nước đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Về quá trình này, Giáo sư Võ – Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ, cho rằng: Sản xuất nông nghiệp không theo thị trường mà tự phát chỉ đem lại thiệt hại tiền của và công sức nông dân. Mỗi sản phẩm đưa ra thị trường cần được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện đúng qui trình GAP và được liên kết 4 nhà với nòng cốt là do doanh nghiệp đầu ra gắn kết với hợp tác xã nông nghiệp. Thị trường quyết định sự tiêu thụ mọi nông sản phẩm. Doanh nghiệp có vai trò quyết định tìm hoặc mở thị trường tiêu thụ. Doanh nghiệp phải được đào tạo có bài bản và ưu đãi vốn sản xuất hàng có thương hiệu do thị trường đòi hỏi. "Điều kiện cần cho sản xuất theo chuỗi giá trị để giành thị trường bền vững là xây dựng cụm nông nghiệp kỹ thuật cao với đầy đủ thiết bị hiện đại. Doanh nhân điều khiển cụm công nghiệp phải được đào tạo một cách cơ bản, có thực tâm vì nông nghiệp và nông dân, uy tín quốc gia, có trách nhiệm xã hội. Nông dân xã viên của hợp tác xã nông nghiệp hoặc trang trại lớn phải đươc đào tạo nhuần nhuyễn quy trình sản xuất kỹ thuật nông nghiệp cao (GAP). Đặc biệt, nhà nước cần ưu tiên cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Giao cho ngân hàng thẩm tra, duyệt và giải ngân thay vì giao cho bộ, ngành phê duyệt như thời gian qua" – Giáo sư Võ – Tòng Xuân nói.

Năm 2015, Việt Nam kết thúc đàm phán hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và cam kết thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) từ 1-1- 2016. Nếu như các FTA mở ra cơ hội xuất khẩu sang các thị trường có cơ cấu kinh tế bổ sung cho nền kinh tế nước ta thì AEC là cộng đồng kinh tế của những nước có cấu trúc kinh tế giống ta và cạnh tranh với ta trên nhiều mặt, trong đó có nông sản. Từ 1-1-2016, nông sản các nước ASEAN vào thị trường Việt Nam với thuế suất bằng 0%, siêu thị Metro đã được người Thái mua lại, siêu thị Parkson của Malaysia sẽ đưa ra thị trường Việt Nam những nông sản có chất lượng và năng lực cạnh tranh mạnh hơn nông sản Việt Nam. Các FTA cho phép mở cửa thị trường bằng giảm thuế suất nhập khẩu, đồng thời cũng quy định những điều kiện khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, như: dư lượng kháng sinh trong thủy sản, dư lượng thuốc trừ sâu, cũng như những yêu cầu về nhãn mác, bao bì đóng gói, mã vạch... Nếu không đáp ứng được những yêu cầu rất cao đó, nông sản vùng ĐBSCL và cả nước sẽ khó nắm bắt được cơ hội xuất khẩu mà các FTA đã mở ra. "Tiến trình hội nhập, một lần nữa khiến nông nghiệp ĐBSCL đứng trước tình trạng không còn chỗ để lùi. Phải gấp rút tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển sang canh tác trên những cánh đồng mẫu lớn, chuyển nông dân và ngư dân hoạt động từ truyền thống trở thành những công nhân nông nghiệp, công nhân ngư nghiệp được đào tạo, có kỹ năng và biết tuân thủ kỷ luật thị trường. Vai trò của nhà nước từ trung ương đến địa phương là cực kỳ quan trọng trong cuộc thay đổi bước ngoặt này. Các cơ quan nhà nước cần tiếp tục giảm bớt các chi phí về thời gian và tiền bạc cho nông dân và doanh nghiệp, giảm bớt các loại thủ tục, phí, lệ phí để doanh nghiệp và nông dân có thể giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành" – Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nói.

Báo điện tử Cần Thơ

Có thể bạn quan tâm