Gặp nhiều sự cố, sản lượng thủy sản vẫn tăng

Gặp nhiều sự cố, sản lượng thủy sản vẫn tăng
Sớm phục hồi thủy sản “hậu cá chết”
Số liệu đưa ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Tổng cục Thủy sản chiều 30/6 cho thấy, tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 3,1 triệu tấn, trong đó khai thác đạt trên 1,5 triệu tấn và nuôi trồng đạt gần 1,6 triệu tấn. So với cùng kỳ năm 2015, tổng sản lượng đã tăng 1,7%. Kim ngạch xuất khẩu tính đến ngày 15/6 đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 4,6%.
Theo đại diện Tổng cục Thủy sản, tốc độ tăng trưởng này có thể nói là thấp nhất từ trước đến nay nhưng cũng đánh dấu nỗ lực rất lớn của ngành trong bối cảnh hạn, mặn kéo dài kỉ lục từ năm 2014, sự cố môi trường khiến cá chết diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là sự cố cá chết tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế khiến hơn 10.000 ha thủy sản bị ảnh hưởng.
Gặp nhiều sự cố, sản lượng thủy sản vẫn tăng ảnh 1
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Liên quan đến sự cố cá chết bất thường tại ven biển các tỉnh Bắc Trung Bộ từ ngày 6/4, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Tổng cục đã xử lý nhanh, kịp thời vụ việc này. Tổng cục đang tiếp tục xây dựng và tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng ban hành một số chính sách khôi phục, phát triển sản xuất thủy sản và ổn định đời sống người dân các tỉnh này. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cũng chỉ đạo, Vụ Nuôi trồng thủy sản phải cử ngay cán bộ xuống cùng với các địa phương khôi phục sản xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, sau sự cố cá chết tại 4 tỉnh miền Trung mới ước lượng được khoảng 2/3 lượng thiệt hại. Sắp tới, cần phải có dự án khảo sát từng tỉnh, từng khu bảo tồn để điều tra thiệt hại đến đâu, rặng san hô mất đến đâu... thì mới có giải pháp cụ thể về khôi phục nguồn lợi thủy sản. “Viện Nghiên cứu hải sản đã có báo cáo cụ thể về thiệt hại để trình Bộ trưởng, xin ý kiến chỉ đạo việc phục hồi”, bà Dung cho hay.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị cần thuê tư vấn đi khảo sát, có hội đồng đánh giá thiệt hại để lập dự án phục hồi. Thậm chí, hình thành Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản của 4 tỉnh này, thu hút nguồn vốn từ toàn xã hội.
Phạt nặng tàu cá vi phạm
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, một vấn đề khác cũng “nóng” trong 6 tháng đầu năm là việc tàu cá của Việt Nam vi phạm pháp luật thủy sản hoặc bị nước ngoài bắt giữ do vi phạm chủ quyền.
Ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết: Tại khu vực vịnh Bắc Bộ, đảo Bạch Long Vỹ đã có 5 chuyến tuần tra, kiểm tra 63 tàu thuyền, trong đó 60 chiếc của Việt Nam, 3 chiếc Trung Quốc. Số phương tiện vi phạm là 11 chiếc, trong đó tàu cá Việt Nam là 8 chiếc, Trung Quốc là 3 chiếc. Tại khu vực biển Tây Nam Bộ, đã tổ chức 2 chuyến tuần tra, xử lý 19 trường hợp vi phạm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm là do ngư dân của ta chưa nắm rõ các quy định của pháp luật. Đại diện Vụ Pháp chế - Thanh tra cho biết, tàu cá Việt Nam khai thác ngoài vùng biển Việt Nam sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 103/2013/NĐ - CP. Tuy nhiên mức xử phạt thấp, mức tối đa đối với tổ chức là 200 triệu đồng. “Sắp tới cần sửa đổi nghị định, tăng mức xử phạt, đồng thời áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như cấm đánh bắt cá”, đại diện Vụ này kiến nghị.
Ông Huy cho biết thêm, từ nay đến cuối năm, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn ngư dân, các tổ đội sản xuất trên biển thực hiện đúng quy định của pháp luật về thủy sản; tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý thông tin về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển thông qua đường dây nóng giữa Việt Nam và các nước; tổ chức đoàn công tác kiểm tra, xử lý và ngăn chặn tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết sẽ thúc đẩy kết nối đường dây nóng giữa Việt Nam với các nước trong ASEAN. Cục Kiểm ngư phối hợp các lực lượng trên biển và các địa phương để tuần tra các vùng biển.
“Mặc dù mức tăng trưởng của ngành thấp hơn cùng kì các năm trước nhưng nếu không cố gắng thì không thể đạt được kết quả này. 6 tháng cuối năm tình hình vẫn rất khó khăn, sau El Nino là La Nina nên ngành thủy sản phải ứng phó kịp thời. Mặt khác, khi hội nhập, các rào cản kĩ thuật về an toàn thực phẩm, kiểm định sẽ được các nước nhập khẩu thủy sản của chúng ta dựng lên. Chẳng hạn như vừa rồi Mỹ và EU đã có khuyến cáo chất lượng thủy sản của Việt Nam. Do đó, từ nay đến cuối năm cần tăng cường kiểm tra việc nuôi trồng thủy sản theo chuỗi từ gốc đến ngọn trước khi xuất khẩu”. Thứ trưởng Vũ Văn Tám

Có thể bạn quan tâm