Gần 20% diện tích đất liền đã bị biến đổi trong 60 năm qua

Cừu thích nghi với khí hậu khô và nóng. Ảnh : Nguyễn Thanh
Cừu thích nghi với khí hậu khô và nóng. Ảnh : Nguyễn Thanh

Trong 60 năm qua, con người đã chuyển đổi trạng thái của gần 20% diện tích đất trên toàn cầu, thông qua các hình thức như biến các khu rừng tự nhiên thành các vùng canh tác vụ mùa hay biến các thảo nguyên thành đồng cỏ chăn nuôi gia súc. Tổng diện tích đất tự nhiên được con người chuyển đổi thành đất sử dụng tương đương với diện tích của châu Phi và châu Âu cộng lại.

Gần 20% diện tích đất liền đã bị biến đổi trong 60 năm qua ảnh 1Cừu thích nghi với khí hậu khô và nóng. Ảnh : Nguyễn Thanh

Cụ thể, theo một nghiên cứu trên tạp chí Nature Communications, khoảng 43 triệu km2 đất tự nhiên đã bị chuyển đổi, gấp 4 lần so với các ước tính trước đây. Tác giả chính của nghiên cứu, bà Karina Winkler, chuyên gia địa vật lý tại Đại học Wageningen (Hà Lan), khẳng định việc sử dụng đất đóng vai trò trung tâm trong các hệ thống điều hòa khí hậu, đa dạng sinh học và sản xuất lương thực nên việc hiểu một cách đầy đủ về quá trình biến đổi tình trạng sử dụng đất là rất thiết yếu trong xây dựng chiến lược sử dụng đất bền vững.

Theo nghiên cứu trên, kể từ năm 1960, tổng diện tích rừng bao phủ Trái Đất đã bị thu hẹp gần 1 triệu km2, trong khi diện tích các vùng canh tác và diện tích các đồng cỏ chăn nuôi cũng tăng tương ứng là gần 1 triệu km2 cho mỗi lĩnh vực. Tuy nhiên, diện tích rừng tại các khu vực trên thế giới có sự thay đổi khác nhau. Trong 60 năm qua, diện tích rừng ở Bắc bán cầu - châu Âu, Nga, Đông Á và Bắc Mỹ - đã tăng lên, trong khi diện tích rừng tại các nước đang phát triển ở Nam bán cầu lại thu hẹp đáng kể. Ngược lại, diện tích đất canh tác thu hẹp ở Bắc bán cầu giảm trong khi mở rộng ở phía Nam bán cầu.

Thực vật và đất- đặc biệt là trong các khu rừng nhiệt đới- hấp thụ khoảng 30% khí thải carbon do con người tạo ra. Vì vậy, những thay đổi cảnh quan quy mô lớn có thể tác động đến việc thực hiện các mục tiêu nhằm kiềm chế tốc độ ấm dần lên theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Hiệp định này yêu cầu các quốc gia cố gắng kiềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở dưới 2 độ C so với thời kỳ trước công nghiệp và nỗ lực giới hạn ở mức tăng 1,5 độ C. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại nhiệt độ Trái Đất đã tăng lên 1,2 độ C, kéo theo một loạt các diễn biến cực đoan như các cơn bão lớn, mực nước biển dâng.

Huy Tiến

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm