Theo các cụ cao niên ở làng Giáy Tả Van, điệu múa Giáy có từ rất lâu đời, thường được biểu diễn trong những dịp tết đến, xuân về, đặc biệt là trong Lễ hội Xuống đồng. Vào những năm đầu của thế kỷ 20, điệu múa Giáy được cải biên theo những làn điệu mới của văn hóa Pháp. Sự giao thoa của văn hóa Á - Âu đã đem đến cho điệu múa Giáy những nét độc đáo riêng có, uyển chuyển, nhịp nhàng hơn, vừa có chút phóng khoáng, mạnh mẽ của người vùng cao, vừa có chút lãng mạn theo nhịp nhảy của điệu Van cổ điển. Đó là điểm làm nên sự đặc biệt của múa Giáy Lào Cai.
![]() |
Những điệu múa duyên dáng của đồng bào Giáy luôn làm say đắm lòng người. |
Ban đầu, điệu múa Giáy có 2 bài múa cổ là múa trống kèn và múa đón dâu (hay còn gọi là múa rước dâu). Hòa chung nhịp đi vui vẻ đầy hứng khởi của đoàn người rước dâu, những điệu múa tạo nên sự vui vẻ và đầm ấm, mang ý nghĩa chúc phúc cho đôi bạn trẻ hạnh phúc bền lâu. Bài múa cổ thứ 2 là bài múa trống kèn. Trên nền nhạc của trống kèn, những điệu múa mềm mại nhưng đầy khỏe khoắn. Điệu múa này thường được biểu diễn trong Hội Xuống đồng cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.
Theo thời gian, người Giáy đã phát triển và cho ra đời những điệu múa mới như múa quạt, múa hoa đăng, múa khăn hay những điệu múa kết hợp với các dân tộc khác như Xa Phó, Mông để tạo thành điệu múa tập thể của các dân tộc. Sự ra đời của các điệu múa mới giúp cho kho tàng múa Giáy thêm phong phú và nhiều sắc màu hơn. Đặc biệt, những năm gần đây, điệu múa Giáy không chỉ là hoạt động văn hóa tinh thần của người dân mà còn trở thành sản phẩm du lịch được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Các khu du lịch, nhà nghỉ homestay còn kết nối với đội văn nghệ quần chúng biểu diễn phục vụ du khách. Đây được coi là hướng đi mới vừa lồng gắn việc bảo tồn, phát huy truyền thống dân tộc, vừa phục vụ phát triển kinh tế du lịch tại địa phương.