Đưa vốn thoát nghèo đến với đồng bào dân tộc thiểu số

Đưa vốn thoát nghèo đến với đồng bào dân tộc thiểu số
Đặc biệt, dòng tín dụng này đã góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước giai đoạn 2011 - 2016 từ 11,76% xuống còn 8,38%.

Là huyện 30a của tỉnh Quảng Trị, Đakrong có tới 80% là đồng bào dân tộc thiểu số ít người. Phó Chủ tịch huyện Hồ Thị Kim Cúc kể, là địa phương có tỷ lệ nghèo đói cao nhưng với các giải pháp của Chính phủ dành cho các huyện nghèo và nguồn lực đầu tư, trong đó phải kể đến nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giúp bà con phát triển kinh tế trên vùng đất khó.

Phó Chủ tịch huyện Đakrong thông tin thêm: “Song song với việc dẫn vốn tín dụng ưu đãi về với từng thôn bản, cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội phối hợp với chính quyền cơ sở cùng hướng dẫn bà con từ việc học vay vốn; mỗi lần giải ngân là lần đó chuyển giao khoa học kỹ thuật.

“Từ việc nhỏ đến việc lớn là cán bộ cầm tay chỉ việc giúp bà con trong sản xuất kinh tế có làm có ăn để thay đổi thói quen mong đợi từ thiên nhiên. Và chúng tôi gọi đó là cuộc “đại cách mạng” thay đổi hành vi”, bà Cúc nói.

Tại Lào Cai, năm 2009, gia đình anh La Văn Sinh, dân tộc Giáy ở thôn Mường Gum, xã Mường Gum (Bát Xát, Lào Cai) được vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo để phát triển sản xuất. Và khi chính sách hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở được triển khai, năm 2009 gia đình được ngân hàng giải ngân 8 triệu đồng.

Nhờ những đồng vốn ưu đãi này mà đến nay gia đình anh Sinh đã ổn định cuộc sống với ngôi nhà khang trang và nguồn thu khá ổn định từ chăn nuôi trâu bò và lợn.

“Trước đây, gia đình tôi thuộc diện ít đất sản xuất, cộng với việc không có vốn làm ăn nên cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Nhưng từ khi tôi vay được tiền Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình tập trung vào chăn nuôi, dần dần cũng có lãi. Ngoài ra tôi còn đi nhận làm gạch thuê, nhờ tích góp dần nên đã mở rộng thêm việc kinh doanh hoa quả ở chợ, có thêm điều kiện nuôi các con ăn học”, anh La Văn Sinh chia sẻ.

Có kinh nghiệm trên 10 năm là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, giờ đây chị Lý Thị Nam ở thôn Mường Gum, xã Mường Gum (Bát Xát, Lào Cai) đang quản lý 50 hộ với dư nợ trên 1,3 tỷ đồng.

Chị Nam chia sẻ, đồng vốn tín dụng chuyển tải qua Ngân hàng Chính sách Xã hội thời gian qua đều mang ý nghĩa thiết thực góp phần vào thực hiện giảm nghèo tại địa phương.

Nhờ có các chính sách tín dụng ưu đãi bà con mới tiếp cận được vốn để phát triển kinh tế, bên cạnh đó, đồng bào bước đầu đã thay đổi nhận thức về sản xuất hàng hóa theo kinh tế thị trường và đã có hộ vươn lên thoát nghèo trên vùng đất khó khăn này.

Có thể nói, hành trình dẫn vốn đến đồng bào dân tộc thiểu số đã làm thay đổi nhận thức để giúp đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội; nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội cho hay, những kết quả cụ thể trên đối với đồng bào dân tộc thiểu số là những điểm tựa để Ngân hàng Chính sách Xã hội nâng cao hơn nữa hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, cộng hưởng chung trong nỗ lực giảm nghèo bền vững tại những vùng đất khó.

Chính sách tín dụng dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới cần mang tính đột phá về tăng mức vay; tăng thời hạn cho vay; nguồn vốn tập trung vào một số ngành nghề trọng yếu để hộ dân có định hướng làm ăn, tạo sinh kế trong tương lai như: nông nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống...

Bên cạnh đó, cũng cần phải đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật, có định hướng, thị trường tiêu thụ sản phẩm... để giúp hộ dân tạo năng suất, chất lượng sản phẩm (thực sự là sản xuất hàng hoá).

Chủ trương định hướng chính sách giảm nghèo bền vững của Chính phủ trong thời gian tới là “tăng cường chính sách cho vay, giảm cho không, nâng định mức vay, lấy hộ nghèo làm chuẩn”.

Theo đó, định hướng tập trung vào các mục tiêu sản xuất mang tính hàng hoá. Riêng đối với đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống quá khó khăn, già cả, neo đơn, không có khả năng lao động, tàn tật, mắc bệnh hiểm nghèo... thì trước mắt cần phải có lộ trình cho các hộ đó ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội như việc Chính phủ ưu tiên các chính sách trợ cấp, bảo trợ xã hội... mà chưa áp dụng các chính sách tín dụng vay vốn ưu đãi.

Ngân hàng Chính sách Xã hội hiện quản lý 18 chương trình tín dụng chính sách và một số dự án; trong đó có 3 chương trình tín dụng dành riêng cho hộ dân tộc thiểu số là: Chương trình cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 4/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Chương trình hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2015 theo Quyết định 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, đến hết năm 2016, ba chương trình tín dụng nêu trên đã hết hiệu lực thi hành và được Ngân hàng Chính sách Xã hội quản lý, theo dõi theo quy định. Trong thời gian tới, Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ được triển khai để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tạo quỹ đất sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề giai đoạn 2017 - 2020.

Ngoài ra, còn có chương trình cho vay theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.

Chương trình này mới được Chính phủ giao vốn và Ngân hang Chính sách Xã hội đã khẩn trương phân bổ về các địa phương để triển khai cho vay theo quy định. Đến nay, tổng dư nợ của chương trình này là gần 8 tỷ đồng, với 213 hộ gia đình vay vốn.
Đỗ Huyền

Có thể bạn quan tâm