Đưa vịt trời lên... núi thuần hóa

Đưa vịt trời lên... núi thuần hóa
Quả đúng là đã hơn hai năm nay, bà con các dân tộc ở bản La Đông đã quen, vui với cảnh đàn vịt trời hàng chục con chao lượn vòng quanh khu vực bản, rồi như cả một phi đội bay cùng đáp như tên bắn xuống đầm nhà anh Trương Trí Thỉnh ở cùng bản.
Đưa vịt trời lên... núi thuần hóa ảnh 1
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu tham quan mô hình nuôi vịt của gia đình anh Trương Trí Thỉnh.
Đấy là đàn vịt trời đẻ của nhà anh Trương Trí Thỉnh. Anh Thỉnh đã thuần hóa được chúng từ cuối năm 2013. Thường ngày, buổi sáng, đàn vịt trời vỗ cánh bay đi kiếm ăn, đến chiều tối, chúng lại bay về... Đến nay, từ đàn vịt trời đẻ này, anh Thỉnh đã nhân ra được hàng trăm con vịt trời giống. Anh cũng bán được mỗi con vịt giống 50.000 đồng.
Anh Thỉnh dẫn chúng tôi xuống nhà úm giống gia cầm và chỉ cho chúng tôi xem đàn vịt trời giống hàng trăm con, mới được khoảng nửa tháng tuổi, anh đã đồng ý bán cho khách. Khách mua còn nhờ anh nuôi hộ thêm vài ngày. Anh Thỉnh cho biết, thường khách dặn, đặt mua vịt trời giống của anh từ khi chúng còn ở trong trứng.
Nhìn đàn vịt trời con nhao nhao, chúng tôi thắc mắc sao giông giống vịt nhà. Anh Thỉnh cười bảo, ngày trước, khi mới ấp thành công mấy con vịt trời đầu tiên, anh rất vui, vợ anh lại bảo "anh bị lừa rồi, nhìn nó như vịt nhà". Anh Thỉnh cự lại, đến lúc nó bay sẽ rõ...
Rồi cái ngày ấy cũng đến, sau hai tháng rưỡi, vừa nuôi vừa theo dõi chúng từng ngày, từng giờ, mấy con vịt trời đến tuổi bắt đầu biết vỗ cánh bay đi kiếm mồi. Khi ấy nhiều người biết chuyện lại bảo anh, nuôi thế thì không được và khuyên anh nhốt chúng lại. Nhưng anh Thỉnh cho rằng nó là giống chim trời, kệ cho nó bay, nó phải được bay... Cứ thế cho đến khi được bảy tháng tuổi, mấy con vịt trời của nhà anh Thỉnh bắt đầu đẻ trứng.
 
Đưa vịt trời lên... núi thuần hóa ảnh 2
Nuôi vịt trời đang là hướng làm ăn kinh tế mới của một số hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu.
Có lẽ cho đến nay, anh Thỉnh là người đầu tiên và duy nhất ở tỉnh miền núi Lai Châu biết cách ấp trứng vịt trời và thuần hóa chúng thành công. Anh Thỉnh cho rằng, vịt trời có nhiều đặc điểm khác vịt nhà. Như ngay từ khi chúng còn nhỏ, đầu chúng nhỏ hơn đầu vịt nhà. Mỏ và cổ vịt trời dài hơn mỏ và cổ vịt nhà. Chân vịt trời nhỏ và dài hơn chân vịt nhà... Sau khi nuôi vịt trời được hai tháng rưỡi, thì chúng bắt đầu biết bay còn vịt nhà thì đương nhiên không biết bay. Chân vịt trời lúc này màu đỏ, đầu mỏ vịt có màu nâu đỏ còn vịt nhà chân có màu vàng hoặc đen và mỏ vịt nhà có màu vàng hoặc đen xám. Đặc điểm nổi bật của vịt trời trống là đầu có màu xanh biếc hoặc đốm xanh biếc. Vịt trời có sải cánh dài hơn sải cánh vịt nhà. Và cân nặng thì vịt trời chỉ đạt từ chín lạng đến một cân mốt... Trong quá trình ấp trứng vịt trời, cần độ ẩm cao hơn vịt nhà.
Anh Thỉnh quê ở huyện Tiền Hải, Thái Bình. Do gia đình đông anh em, kinh tế khó khăn nên anh không thực hiện được ước mơ học đại học... Năm 2004, một người bạn rủ anh lên Lai Châu lập nghiệp. Thời gian đầu lên Lai Châu, anh làm về lĩnh vực xây dựng. Anh đã thu được thành công nhất định, xây được nhà cửa khang trang có mặt tiền Quốc lộ 4D và sắm được cả xe con. Nhưng rồi những thứ ấy bỗng dưng "ra đi" do công việc của anh gặp nhiều khó khăn.
Anh Thỉnh quyết định lập trang trại, quay về với nghề nuôi gia cầm. Và rồi trong một lần sang Lào Cai chơi nhà bạn, anh Thỉnh được xem kỹ thuật của người bạn ấp trứng gia cầm. Về nhà, anh Thỉnh đã tự mày mò, tìm hiểu thêm thông tin trên báo, trên mạng và đã tự đóng, tạo ra được máy ấp trứng gia cầm... Đến nay anh Thỉnh đã có kỹ thuật ấp thành công nhiều loại trứng gia cầm đặc sản như trứng gà đen chân năm ngón, ngan đen, gà rừng, chim trĩ, ba ba, ngỗng trời... và nhất là vịt trời. Chỉ từ năm quả trứng vịt trời "kiếm" được từ dưới xuôi năm 2013, đến nay anh Thỉnh đã nhân ra được hàng trăm con vịt trời và những con vịt này đang mang đến cho gia đình anh nhiều hy vọng... Gần đây, mỗi năm gia đình anh Thỉnh xuất bán ra thị trường khoảng 250.000 con giống gia cầm các loại và cho thu nhập khoảng 500 triệu đến 600 triệu đồng/năm.
Anh Thỉnh đang có kế hoạch mở rộng đầu tư trang trại giống, nhất là cung cấp giống gia cầm đặc sản đồng thời giới thiệu ra thị trường máy ấp trứng gia cầm tự thiết kế. Anh Thỉnh cho rằng máy ấp trứng của anh tốt và giá thành chỉ bằng khoảng một nửa so với các loại máy ấp trứng bán trên thị trường ở Lai Châu hiện nay.
Trao đổi với ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu, chúng tôi được biết, lâu nay trên địa bàn tỉnh, giống vật nuôi chủ yếu do người dân tự túc và nhập từ tỉnh khác. Còn Trung tâm giống của tỉnh mới đi vào hoạt động được hai năm, chưa có giống con cung cấp ra thị trường nhất là giống gia cầm. Trong khi đó, hiện nay một số người nông dân ở Lai Châu rất năng động, tự mày mò, tìm nuôi các loại con vật mang tính hoang dã, thương phẩm của nó mang tính đặc sản như nhím, chim trĩ, vịt trời, gà đen... Đây là những đặc sản của ngành Nông nghiệp, tỉnh khuyến khích người dân cứ làm, sau đó ngành Nông nghiệp sẽ tổng kết lại, sản phẩm nào có ưu thế, tỉnh sẽ nghiên cứu hỗ trợ bà con nơi nào tâm huyết, làm bài bản đúng kỹ thuật.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm