"Đũa thần" giúp nông nghiệp Lào Cai chuyển mình

"Đũa thần" giúp nông nghiệp Lào Cai chuyển mình

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nông nghiệp được ví như "đũa thần" giúp "tam nông" ở Lào Cai chuyển mình cả về nhận thức, quy mô và trình độ sản xuất. Nhờ đó, từ một địa phương thiếu lương thực, thực phẩm, đến nay, việc đảm bảo an ninh lương thực của Lào Cai đã được đáp ứng; trong đó sản xuất nông nghiệp đã và đang hướng vào chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo giá trị kinh tế cao.

"Đũa thần" giúp nông nghiệp Lào Cai chuyển mình ảnh 1Chủ vườn mận tại xã Na Hối (Bắc Hà) thu hoạch mận. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Khởi sắc toàn diện

Đường lên Bắc Hà mùa này thật đẹp, suốt dọc cung đường uốn lượn giữa trập trùng đồi núi là màu xanh mướt của những vườn cây trái ôn đới đang mùa trĩu quả. Còn nhớ, khoảng 13 năm đổ về trước, Bắc Hà là một trong những huyện khó khăn nhất trong tỉnh Lào Cai. 100% các xã trong huyện đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ với 55,1% thôn chưa có điện lưới quốc gia; 79% đường giao thông đến các thôn chưa được cứng hóa, trong đó 28 thôn chưa có đường ô tô.

Chỉ có 14,7% trường học đạt chuẩn quốc gia, còn 223 phòng học tạm; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh mới đạt 70%. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác đạt mới đạt 12 triệu đồng/ha, mức độ áp dụng khoa học kỹ thuật của nông dân hạn chế. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 3,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 47%.

Tuy nhiên, những hình ảnh thời gian khó ấy giờ đây đã thuộc về quá khứ. Từ năm 2008, Nghị quyết “Tam nông” - "Nghị quyết mang tính đột phá, toàn diện nhất từ trước tới nay", theo lời của Bí thư Huyện ủy Bắc Hà Nguyễn Duy Hòa - đã mở ra cơ hội lớn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Bắc Hà, thổi một luồng sinh khí mới, tạo cho huyện nghèo vùng cao Bắc Hà sức bật vươn lên mạnh mẽ.

Đến nay, sau 13 năm thực hiện, nông nghiệp, nông thôn, nông dân huyện Bắc Hà có sự khởi sắc toàn diện. Toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân số tiêu chí hoàn thành 14,17 tiêu chí/ xã (tăng gấp 4,3 lần so năm 2010). Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 12,46%. Nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn; giá trị thu hoạch trên ha đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 55 triệu đồng (cao gấp hơn 4,5 lần so 2008)... 100% các xã có đường nhựa đến trung tâm (tăng 11 xã so năm 2008), 93% đường trục xã được cứng hóa; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98,2% (tăng 26,68% so năm 2008); 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; hoàn thành xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát và phòng học tạm.

Đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng lên đạt 32,83 triệu đồng, gấp hơn 9,6 lần so 2008; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện chỉ còn 13,08%.

Nghị quyết số 26-NQ/TW đã làm thay đổi đáng kể cả nhận thức và hành động của người dân toàn tỉnh Lào Cai đối với vấn đề “tam nông”. Lão nông Vàng Seo Châu, xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà phấn khởi nói: "Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp, kinh tế phát triển nhanh, đời sống bà con khấm khá hẳn lên. Vui nhất là đường làng mở rộng, con cháu được học trong hành trong những ngôi trường khang trang, sạch đẹp".

Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân tại Lào Cai, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lào Cai Vũ Xuân Cường nêu rõ, trong 13 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, song với những chủ trương, quan điểm, định hướng đúng đắn; sự năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; sự quyết tâm phấn đấu nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời, kế thừa những thành tựu của giai đoạn trước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW đạt được những kết quả to lớn.

Sản xuất nông nghiệp của Lào Cai liên tục được mùa, tổng sản lượng lương thực năm 2020 đạt 341.790 tấn, tăng 65% so với năm 2008. Giá trị sản phẩm thu hoạch/1ha canh tác năm 2020 đạt 80,1 triệu đồng, gấp 4,45 lần so với năm 2008. Thu nhập người dân nông thôn từ 5,47 triệu đồng/người (năm 2008) lên 26,18 triệu đồng/người/năm (năm 2020), tăng 4,78 lần, vượt mục tiêu đề ra.

100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã được rải nhựa và bê tông hoá, 50% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm thôn, vượt 48% so với mục tiêu; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, 100% số xã có trạm y tế xã, trường học được kiến cố hoá và 100% thôn, bản có nhà văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo đạt và vượt mục tiêu đề ra, bình quân hằng năm giảm trên 6%. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn năm 2008 là 30,3% giảm còn 10,06% vào năm 2020.

Tập trung tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp

Mặc dù đã đạt được những kết quả ấn tượng trong phát triển “Tam nông” nhưng trước mắt tỉnh Lào Cai còn nhiều khó khăn như: kết cấu hạ tầng còn yếu; tích luỹ nội bộ nền kinh tế thấp, nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Khu vực nông thôn là vùng nhạy cảm, dễ bị tổn thương, là địa bàn mà các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc gây mất trật tự an toàn xã hội.

Trước những khó khăn này, giai đoạn 2030-2045, Lào Cai tiếp tục khẳng định vai trò nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tầm quan trọng rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn toàn tỉnh và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội phải thực hiện.

Lào Cai phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đến năm 2030 đạt trên 5%/năm; đến năm 2045, đạt trên 3,5%/năm. Giá trị sản phẩm/ha đất canh tác bình quân năm 2025 đạt trên 100 triệu đồng; đến năm 2030, đạt 130 triệu đồng; đến năm 2045, đạt 200 triệu đồng. Đến năm 2025, giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực chiếm khoảng 65% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Đến năm 2030 và các năm tiếp theo, giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực chiếm khoảng 80% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Lào Cai cũng phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3-5% trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 6% trở lên; giảm hộ cận nghèo mỗi năm từ 2.000 hộ trở lên. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2025 phấn đấu đạt trên 35 triệu đồng/người/năm, đạt trên 45 triệu đồng vào năm 2030 và đạt trên 85 triệu đồng vào năm 2045. Tỷ lệ hộ nông dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98% năm 2025 và trên 98% vào các năm tiếp theo. Phấn đấu đến hết năm 2030, toàn tỉnh Lào Cai có 112/127 xã đạt chuẩn nông thôn. Năm 2045, toàn tỉnh có 127/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để thực hiện các mục tiêu đó, Lào Cai đề ra 8 nhóm giải pháp chủ yếu; trong đó, tập trung triển khai đề án tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp gắn với chiến lược phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2045; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn.

Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị văn minh đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, bảo tồn các giá trị văn hóa, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng nông thô; duy trì và phát triển các xã, huyện đã hoàn thành nông thôn mới theo hướng đạt nông thôn mới nâng cao...

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm