Đưa nông sản của đồng bào miền núi Quảng Nam trở thành sản phẩm có thương hiệu

Mua sản phẩm của Cơ sở sản xuất sản phẩm sạch Hằng Moon. Ảnh: Phước Tuệ
Mua sản phẩm của Cơ sở sản xuất sản phẩm sạch Hằng Moon. Ảnh: Phước Tuệ

Vài năm trở lại đây, người dân xã Quế Thọ nói riêng và huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam) nói chung mỗi khi có dịp đi đâu xa, hầu hết đều ưu tiên lựa mua sản phẩm của Cơ sở sản xuất sản phẩm sạch Hằng Moon ở thôn Bắc An Sơn, xã Quế Thọ, huyện hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam) làm quà quê hương để biếu người thân và bạn bè thân hữu.

Đưa nông sản của đồng bào miền núi Quảng Nam trở thành sản phẩm có thương hiệu ảnh 1Mua sản phẩm của Cơ sở sản xuất sản phẩm sạch Hằng Moon. Ảnh: Phước Tuệ

Tương tự, những ai đã từng đến huyện Hiệp Đức chơi, mỗi khi ra về đều được người thân quen tư vấn mua các sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng, bột sen, bột gạo lứt rẫy - mè đen, trà thảo mộc, trà đậu đen - gạo lứt rẫy, trà sả - chanh của Cơ sở sản xuất sản phẩm sạch Hằng Moon để về làm quà biếu người thân, bạn bè ở quê nhà. Dường như hầu hết người dân huyện Hiệp Đức cũng như khách thập phương khi có dịp đến Hiệp Đức đều xem những sản phẩm này là đặc sản của vùng đất trung du Hiệp Đức.

Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, chủ cơ sở cho biết, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng, giữ thương hiệu uy tín của cơ sở, tất cả các sản phẩm đều là những sản phẩm sạch từ khâu sản xuất nguyên liệu cho đến lúc ra thành phẩm đến tay người tiêu dùng.

Đảm bảo uy tín cho sản phẩm của cơ sở, chị Nguyễn Thị Lệ Hằng đã đến tận các hộ dân sản xuất nguồn nguyên liệu, cam kết, thỏa thuận chỉ trồng và chăm bón hữu cơ, không sử dụng phân hóa học, thuốc tăng trưởng, ưu tiên sử dụng các dung dịch truyền thống được làm từ chanh, ớt cay, gừng… để phòng chống sâu bệnh. Nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì phải sử dụng đúng với quy định.

Ngoài ra, các hộ dân đảm bảo thu hoạch đúng thời vụ, kỹ thuật, không được thu hoạch non để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng của sản phẩm, đặc biệt là không được sử dụng hóa chất trong quá trình bảo quản. Để người dân yên tâm sản xuất theo hướng nông sản sạch, tất cả nguồn nguyên liệu sạch mà cơ sở thu mua của bà con đều có giá thành cao hơn từ 10 - 15% so với giá cả thị trường.

Sau khi thu mua nguyên liệu, cơ sở sản xuất bột dinh dưỡng theo quy trình: làm sạch, gọt vỏ, sấy khô, rang chín, cân tỷ lệ thành phần của các loại bột, xay bột và đóng bao.

Chị Lê Thị Chính, khách hàng mua bột ngũ cốc dinh dưỡng tại Cơ sở sản xuất sản phẩm sạch Hằng Moon chia sẻ: “Bà con huyện Hiệp Đức xem các sản phẩm của Hằng Moon là đặc sản của quê hương, bởi các sản phẩm của cơ sở không chỉ bá những nông sản đặc trưng của quê hương mà đây còn là những sản phẩm bảo vệ sức khỏe của mọi người”.

Đưa nông sản của đồng bào miền núi Quảng Nam trở thành sản phẩm có thương hiệu ảnh 2Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm sạch Hằng Moon với sản phẩm. Ảnh: Phước Tuệ

Theo chủ cơ sở Nguyễn Thị Lệ Hằng, hiện nay bình quân mỗi năm cơ sở sản xuất được 3 tấn sản phẩm các loại, đạt doanh số khoảng 2,4 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, cơ sở còn lãi được khoảng 500 triệu đồng, Quan trọng nhất, đó là cơ sở đã đưa được nguồn nông sản sạch của quê hương hiệp Đức đến với người tiêu dung.

Qua đó, góp phần bảo vệ sức khẻ cho người dân và quảng bá nguồn nông sản sạch cho người dân tại địa phương ra thị trường, giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của gia đình.

Theo kế hoạch, trong năm 2022, để nâng doanh số và cũng làm đa dạng sản phẩm của cơ sở, qua đó giới thiệu được các sản phẩm đặc trưng của quê hương Hiệp Đức đến với mọi người, Cơ sở sản xuất sản phẩm sạch Hằng Moon sẽ sản xuất thêm 2 sản phẩm là cháo vỡ hạt và gạo lứt sấy. Dự kiến, với 2 sản phẩm mới này, cơ sở sẽ nâng tổng sản lượng bình quân hàng năm lên khoảng 3,5 tấn, doanh số đạt khoảng 3 tỷ đồng, sau khi trừ đi các chi phí còn lãi được khoảng 600 triệu đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng tâm sự, trước đây chị làm kế toán ở UBND xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, địa phương có hơn 2/3 là người đồng bào M’nong, K’dong sinh sống. Ở nơi đây có rất nhiều đặc sản và nguồn nguyên liệu sạch, giống lạ, với cách canh tác không bón phân phun thuốc nhưng sản phẩm của họ chưa đến được với người tiêu dùng nên đời sống của bà con nơi đây vẫn còn rất khó khăn.

Để giúp bà con nơi đây phát triển kinh tế, cải tạo cuộc sống hàng ngày, sau nhiều đêm suy nghĩ, chị Hằng bắt tay vào thực hiện ý tưởng giới thiệu, quảng bá, đưa các đặc sản thiên nhiên và nông sản sạch do bà con nông dân miền núi sản xuất trở thành những sản phẩm có thương hiệu mang lợi ích chăm sóc sức khỏe cho người tiêu dùng và cũng là tạo đầu ra cho sản phẩm nông sản ở khu vực miền núi.

Năm 2017, với 10 triệu đồng tiền vốn để trang bị 1 máy hàn bao và 1 máy rang, sản phẩm Bột ngũ cốc dinh dưỡng đầu tay của cơ sở ra đời. Dần dà, qua các kênh quảng bá sản phẩm, thị trường của cơ sở hiện nay đã mở rộng ra được nhiều tỉnh thành trong Nam và ngoài Bắc. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hiện nay Cơ sở sản xuất sản phẩm sạch Hằng Moon đã mở rộng quy mô sản xuất hơn so với những ngày đầu mới thành lập, qua đó đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại địa phương có mức lương từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng, giải quyết việc làm thời vụ cho một số lao động khác.

Nhận xét về chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, chị Nguyễn Thị Kim Loan - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hiệp Đức, quả quyết, trong cuộc sống hàng ngày, chị Nguyễn Thị Lệ Hằng là một hội viên rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, mỗi khi có cuộc vận động, phong trào nào của địa phương hay của hội phát động, chị Hằng luôn là người tiên phong ủng hộ đầu tiên. Bên cạnh đó, chị Hằng luôn sẵn sàng hỗ trợ chị em hội viên, những hoàn cảnh không may trong cuộc sống.

Phước Tuệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm