Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Phú Thọ dồn sức đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Phú Thọ dồn sức đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

Từ một tỉnh mới thoát nghèo, quy mô nền kinh tế nhỏ, năng lực nội tại hạn chế, nhờ dồn sức huy động các nguồn lực đầu tư, những năm gần đây, kết cấu hạ tầng của tỉnh Phú Thọ đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Phú Thọ dồn sức đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ảnh 1Kiểm tra kỹ thuật thiết bị trạm biến áp 110kV Việt Trì. Đây là trạm biến áp 110kV thứ 15 được đưa vào vận hành nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

"Quả ngọt" từ chủ trương đúng

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2015-2020 xác định huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là một khâu đột phá quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngay sau Đại hội, tỉnh Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề và chương trình hành động, trong đó xác định 118 dự án thuộc 8 ngành, lĩnh vực ưu tiên huy động và bố trí nguồn lực. Các ngành, các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với tình hình thực tế để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng cho biết, dù đối mặt với kinh tế suy thoái, cắt giảm đầu tư công nhưng nhờ vận dụng linh hoạt thời cơ, tranh thủ tối đa các nguồn lực, tỉnh Phú Thọ đã huy động được nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển, tạo bước “đột phá” trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Chỉ trong 3 năm gần đây, tỉnh Phú Thọ huy động tổng vốn trên 50 nghìn tỷ đồng, tăng 14 lần so với giai đoan 2011-2015, trong đó vốn đầu tư của doanh nghiệp chiến 52 % tổng nguồn vốn huy động. Nổi bật là lĩnh vực hạ tầng đô thị, toàn tỉnh đã thực hiện được 68 dự án, tổng vốn huy động đạt trên 11 nghìn tỷ đồng, chiếm 22% tổng vốn huy động. Hàng chục dự án hạ tầng đô thị được triển khai xây dựng, tạo diện mạo đô thị khang trang, hiện đại tại nhiều địa phương.

Tại thành phố Việt Trì, hạ tầng đô thị đã thay đổi nhanh chóng, dần trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Bí thư thành phố Việt Trì Nguyễn Mạnh Sơn cho biết, nhờ tăng cường xã hội hóa, tranh thủ tối đa các nguồn lực, thành phố Việt Trì đã huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị. Trong 4 năm, thành phố đã huy động 27 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 27% so với giai đoạn 2010 – 2015. Gần 134 km giao thông nội thị đã được đầu tư nâng cấp, nhiều công trình hạ tầng sau đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố như Quốc lộ 32C, đường Vũ Thê Lang, đường Tôn Đức Thắng, đường Phù Đổng và nút giao với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC7), đường Trường Chinh…

Đặc biệt, hạ tầng du lịch, thương mại được đẩy mạnh đầu tư tạo chuyển biến mạnh cho các loại hình dịch vụ, du lịch phát triển. 12 dư án hạ tầng du lịch trọng điểm được triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư gần 7 nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án có quy mô lớn, hiện đại như Công viên Văn Lang giai đoạn 3, Quảng trường Hùng Vương, tổ hợp khách sạn Mường Thanh, Sài Gòn và hệ thống siêu thị, chợ Việt Trì mới vừa được hoàn thiện đã tạo điểm nhấn trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông có bước phát triển vượt bậc, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương về với Đất Tổ. Ba năm đã có 35 dự án hạ tầng giao thông được triển khai xây dựng, với tổng vốn trên 6 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% tổng vốn đầu tư. Nhiều tuyến đường giao thông đối ngoại đã được đưa vào sử dụng như đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Tam Nông; đường nối Quốc lộ 70 đi tỉnh Hòa Bình; đường Phù Đổng nối nút giao cao tốc, đường đê Âu Cơ tại thành phố Việt Trì, tạo sự kết nối liên thông giữa các vùng sản xuất hàng hóa trong tỉnh và giao thương với các tỉnh bạn. Trọng điểm là cầu Việt Trì - Ba Vì hoàn thành đã giúp kết nối Phú Thọ - kinh đô Văn Lang xưa với Hà Nội tạo thêm một huyết mạch giao thông giữa các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô. Các nút giao IC7, IC9, IC10, IC11 vừa đưa vào sử dựng giúp kết nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào các Khu Công nghiệp Thụy Vân, Phú Hà, Cẩm Khê, Hạ Hòa, góp phần thu hút đầu tư vào tỉnh tăng cao.

Cùng với đó, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ngày càng được hoàn thiện, giúp tăng sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động. Trong 3 năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện 25 dự án hạ tầng các khu, cụm công nghiệp với tổng vốn huy động đạt trên 2.700 tỉ đồng. Các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp được xây dựng đã thu hút thêm 78 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 8.700 tỉ đồng, trong đó 19 dự án FDI đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 280 triệu USD.

Hạ tầng lĩnh vực nông, lâm nghiệp thủy sản; điện, thông tin truyền thông, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, môi trường, y tế, quốc phòng - an ninh... được đầu tư với nguồn vốn lớn, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Dồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội then chốt

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ, để đưa kinh tế -xã hội phát triển nhanh và bền vững, trong giai đoạn tới, tỉnh Phú Thọ cần nguồn lực đầu tư rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, việc huy động đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, do nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đang dần thắt chặt, giảm chi đầu tư công, kế hoạch vốn hàng năm phải tập trung xử lý nợ đọng, hạn chế thấp nhất việc triển khai đầu tư mới. Nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị chưa huy động được nguồn lực để triển khai đầu tư. Nhiều dự án lớn, khu dân cư chưa triển khai hoặc chậm đầu tư ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang cho biết, tỉnh đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, dồn sức huy động cao nhất các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, các thành phần kinh tế và toàn xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt; đồng thời sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án để bố trí nguồn lực đầu tư dứt điểm, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải.

Trong thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo luôn công khai, tăng cường minh bạch, nâng cao tính cạnh tranh, công bằng trong hoạt động đầu tư kinh doanh, giảm tối đa chi phí về thời gian và tài chính cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Cá cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các dự án đang thực hiện sớm hoàn thành. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư và xây dựng, có giải pháp tập trung nguồn lực hoàn thành dự án đưa vào khai thác phát huy hiệu quả công trình.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, nguồn vốn huy động sẽ được ưu cho các dự án giao thông tạo liên kết giữa các khu, cụm công nghiệp, vùng sản xuất với các trục giao thông quốc gia; hạ tầng các khu cụm công nghiệp; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thông tin truyền thông. Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng 3 khu cụm công nghiệp Phú Hà, Cẩm Khê, Trung Hà; 6 cụm công nghiệp Tam Nông, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập…; đẩy nhanh tiến độ các dự án khu đô thị mới và cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các địa phương; triển khai các dự án giao thông trọng điểm như tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cầu Vĩnh Phú, xây dựng các tuyến đường đấu nối với tuyến giao thông quan trọng quốc gia, đường trục vào khu cụm công nghiệp, khu đô thị, vùng sản xuất hàng hóa tập trung….

Đặc biệt, tỉnh Phú Thọ dồn lực đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ, kết các tuyến du lịch Đền Hùng, Vườn Quốc gia Xuân Sơn, nước khoáng Thanh Thủy, Công viên Văn Lang…; khẩn trương triển khai xây dựng các dự án như Khu dịch vụ Nam Đền Hùng, sân golf Thanh Xuyên, Khu Du lịch đầm Ao Châu tại Hạ Hòa và Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng huyện Thanh Thủy….

Với những giải pháp quyết liệt đã đề ra, tỉnh Phú Thọ phấn đấu vươn lên “top” đầu về trình độ phát triển trong các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và trở thành trung tâm kinh tế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn tới.

Lâm Đào An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm