Đưa lúa hai vụ lên vùng biên giới Phong Thổ

Với mong muốn nâng cao hệ số sử dụng đất trên cùng đơn vị diện tích, hai năm trở lại đây, bà con nông dân xã biên giới Sì Lở Lầu và Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã mạnh dạn đưa giống lúa mới vào gieo trồng vụ Đông Xuân. Bước đầu cho thấy, diện tích lúa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại nguồn lương thực ổn định cho người dân.

Dua lua hai vu len vung bien gioi Phong Tho hinh anh 1Màu xanh của lúa đã thay thế mầu nâu của đất bỏ hoang trước đây ở xã biên giới Sì Lở Lầu. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Cách thành phố Lai Châu hơn 100km, Sì Lở Lầu là xã biên giới xa nhất của huyện Phong Thổ. Do điều kiện địa hình chủ yếu là núi cao, khí hậu khắc nghiệt, lượng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thiếu, nên trước đây người dân trong xã chỉ làm được một vụ lúa rồi bỏ hoang, rất lãng phí.

Nhằm tăng nguồn lương thực cho người dân, từ vụ Đông Xuân năm 2021-2022 trở lại đây, ngành nông nghiệp huyện Phong Thổ đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thí điểm chuyển đổi đất một vụ thành 2 vụ với giống lúa VNR20.

Dua lua hai vu len vung bien gioi Phong Tho hinh anh 2Người dân xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ chăm sóc lúa 2 vụ. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Dọc trên những ruộng lúa Đông Xuân tại bản Tỷ Phùng, xã Sì Lở Lầu cho thấy, trên khắp các thửa ruộng bậc thang lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị ra đòng. Chị Cồ Gà Chư, người dân bản Tỷ Phùng đang chăm sóc lúa chia sẻ, trước đây, mỗi năm gia đình trồng lúa một vụ đều thu về khoảng 30 bao thóc. Nhưng vụ Đông Xuân năm 2021-2022, nhờ các cấp chính quyền vận động trồng tăng vụ mà gia đình chị đã thu được đến 60 bao thóc. Năm nay, gia đình chị tiếp tục trồng lúa hai vụ. Ra thăm đồng thấy lúa tốt, không bị sâu bệnh, mình hy vọng đạt năng suất cao hơn.

Ông Tẩn Lao San, Phó chủ tịch UBND xã Sì Lở Lầu cho biết, vụ Đông Xuân năm 2021-2022 xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện triển khai trồng thí điểm 8ha lúa VNR20 với 15 hộ tham gia. Năm đầu triển khai cho thấy, giống lúa này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương và đạt năng suất cao. Thấy hiệu quả, năm nay xã có 72 hộ dân tham gia cấy với diện tích 29ha. Hiện cây lúa đang phát triển tốt, chuẩn bị ra đòng nên xã chỉ đạo bà con tập trung chăm sóc, bón phân, làm cỏ và phòng trừ sâu bệnh để vụ mùa bội thu.

Dua lua hai vu len vung bien gioi Phong Tho hinh anh 3Lúa 2 vụ canh tác tại xã Sì Lở Lầu, Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Theo số liệu thống kê của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ, vụ Đông Xuân năm nay, huyện gieo cấy 754,8ha lúa, đạt 102,28% kế hoạch, tăng 16,8ha so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân diện tích lúa tăng tập trung chủ yếu ở 2 xã Vàng Ma Chải và Sì Lở Lầu. Trong số đó, riêng xã Sì Lở Lầu trồng lúa VNR 20 tại các bản Xin Chải, bản Mới, Tỷ Phùng, Tả Chải với quy mô 29ha. Xã Vàng Ma Chải trên 2ha giống TBR 225 triển khai tại bản Hoang Thèn.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ Vũ Hữu Lưỡng cho hay, những năm qua, Phòng đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã xây dựng các mô hình trình diễn để người dân nhận thức, biết được hiệu quả của việc tăng vụ lúa.

Qua thực tế triển khai, mang lại kết quả tốt, người dân phấn khởi mạnh dạn làm theo. Từ 2ha năm trước ở xã Sì Lở Lầu nay đã tăng lên 31,5ha ở cả 2 xã Vàng Ma Chải và Sì Lở Lầu.

Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ tiếp tục phối hợp với các xã vùng cao rà soát, quy hoạch các vùng để tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích cấy lúa Đông Xuân, đặc biệt là các khu vực có độ cao dưới 900 mét so với mực nước biển. Từ đó, tạo điều kiện giúp người dân có thêm nguồn lương thực, tăng thu nhập, từng bước vươn lên giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Nguyễn Oanh

Tin liên quan

Giúp người dân huyện biên giới Phong Thổ được sử dụng nước sạch

Phong Thổ là huyện biên giới của tỉnh Lai Châu với địa hình chủ yếu là núi cao và độ dốc lớn khiến nhiều hộ dân nơi đây gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt. Được sự quan tâm và hỗ trợ nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh, huyện đã tập trung đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt, giúp bà con có nguồn nước ổn định, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.


Mùa vàng trên vùng biên Phong Thổ (Lai Châu)

Khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 (âm lịch), dọc theo tuyến đường 132 đi các xã biên giới như; Khổng Lào qua Dào San, Tung Qua Lìn, Mù Sì San rồi Vàng Ma Chải và tới xã xa nhất là xã Sì Lở Lầu của huyện Phong Thổ (Lai Châu) là thời điểm những thửa ruộng bậc thang được khoác lên mình một bộ áo mới vàng óng đẹp lung linh dưới nắng thu ẩn hiện giữa núi rừng bạt ngàn của Tây Bắc nói chung và của Lai Châu nói riêng, những thửa ruộng bậc thang như dải lụa mềm mại uốn lượn quanh những sườn núi cao trùng trùng, điệp điệp hùng vĩ được tạo nên từ những bàn tay khéo léo và công sức của đồng bào các dân tộc tại vùng biên viễn, một màu vàng báo hiệu một mùa ấm no.



Đề xuất