Đưa học sinh trở lại trường học: Thích ứng linh hoạt, đảm bảo an toàn

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc đóng cửa trường học trong một thời gian dài sẽ gây ra những tác động tiêu cực về mặt giáo dục, sức khỏe đối với trẻ em và xã hội, đặc biệt là với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn bởi những trẻ em này phải chịu sự bất bình đẳng khi tham gia chương trình học trực tuyến. Do vậy, việc đưa học sinh trở lại trường học là rất cần thiết. Tuy nhiên, để việc học trực tiếp có hiệu quả, lâu dài, rất cần các giải pháp linh hoạt, không cực đoan, phù hợp với diễn biến dịch COVID-19.

Với mong muốn đưa học sinh trở lại trường học càng sớm càng tốt, tránh những hệ lụy lâu dài về phát triển tinh thần, thể chất, căn cứ tình hình dịch bệnh và sự an toàn của học sinh, Hà Nội đã có những quyết định linh hoạt. Cụ thể, ngày 8/11/2021, học sinh lớp 9 ở huyện Ba Vì là nhóm học sinh Thủ đô trở lại trường đầu tiên trong năm học 2021 - 2022. Tới ngày 22/11, học sinh lớp 9 của 18 huyện, thị xã thuộc vùng ngoại thành trở lại trường. Rồi ngày 6/12, học sinh lớp 12 toàn thành phố được đi học trực tiếp. Sau đó, từ ngày 8/2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 toàn thành phố và từ ngày 10/2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 18 huyện, thị xã đã quay lại trường.

Lộ trình đưa học sinh trở lại trường học UBND thành phố Hà Nội triển khai trong thời gian vừa qua đã nhận được sự phản hồi tích cực của đông đảo các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi đi học. Đặc biệt là quyết định mới đây của UBND thành phố Hà Nội cho tạm dừng đến trường từ ngày 21/2 đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận nội thành do lo ngại về tình hình dịch bệnh và điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

“Tôi cho rằng, sự thận trọng của Hà Nội trong việc từng bước đưa trẻ đến trường là phù hợp với tình hình dịch hiện nay. Lộ trình này vừa giải quyết được tính cấp thiết cho trẻ trở lại trường học vừa đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, có lẽ, để việc học trực tiếp được hiệu quả và lâu dài, sự chuẩn bị chu đáo về phương án xử trí F0, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại trường học là chưa đủ mà quan trọng hơn nữa chính là sự thích ứng linh hoạt của gia đình học sinh”, anh Lại Phú Kiên (quận Cầu Giấy) nói.

Anh Kiên cho rằng, hiện nay, gần như toàn bộ hoạt động dịch vụ trong xã hội đã trở lại bình thường, người lớn đã đi lại bình thường, tiếp xúc với nhiều người ở chỗ đông người. Do đó, nguy cơ lây bệnh tại trường học không cao hơn so với các môi trường khác, như nơi làm việc, nhà hàng hay trung tâm mua sắm.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhiều phụ huynh ý thức được những hậu quả về tâm lý, thể chất khi giữ con ở quá lâu trong nhà. Họ đã bắt đầu cho con đi chơi ở nơi công cộng, đi du lịch… để cân bằng tâm lý. Tuy nhiên, việc đưa con đến trường học lại khiến một số ít phụ huynh e ngại.

“Chúng ta cần xác định trách nhiệm đưa học sinh trở lại trường không chỉ là của riêng ngành giáo dục mà còn có trách nhiệm của cha mẹ vì tương lai của chính con em mình, rộng hơn là của cộng đồng xã hội. Do vậy, sự sẵn sàng của cha mẹ là yếu tố quan trọng nhất. Cha mẹ cần sẵn sàng trên nhiều phương diện, trong đó, cần có trách nhiệm phối hợp với giáo viên để ổn định tâm lý cho học sinh, kể cả trong tình huống xấu nhất là có những ca nhiễm xuất hiện tại trường học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam nói.

Còn theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, cha mẹ có con đang tuổi đến trường phải có biện pháp phòng, chống dịch nhiều nhất, phòng cho cá nhân, cho con mình và cho lớp học. Cha mẹ cũng cần trang bị cho con các kỹ năng biết tự bảo vệ mình và xem đây là cơ hội để thích ứng với bối cảnh mới.

Nguyễn Cúc

Tin liên quan

Đảm bảo đưa trẻ trở lại trường học an toàn, linh hoạt, tránh cực đoan

Với những nghiên cứu, dự báo về sự tồn tại lâu dài của virus SARS-CoV-2, các giải pháp đưa trẻ trở lại trường phải mang tính dài hơi, trên tinh thần chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan; thống nhất chỉ đạo và thực hiện trên cả nước nhưng không áp dụng máy móc, cứng nhắc giữa các địa phương có cấp độ dịch khác nhau, giữa đô thị và nông thôn…, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”.


Hà Nội: Học sinh từ lớp 1 - 6 của 12 quận trở lại trường từ ngày 21/2

Ngày 15/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng ký văn bản số 432/UBND-KGVX gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, UBND các quận về việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19.


Phát hiện ca F0, F1, các trường linh hoạt ứng phó, không làm gián đoạn việc dạy và học

Từ ngày 8/2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên toàn thành phố Hà Nội và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở các huyện, thị xã đã trở lại trường học. Bên cạnh sự vui mừng, háo hức của phụ huynh và học sinh thì ngay trong những ngày đầu, nhiều trường đã phát hiện nhiều giáo viên, học sinh là F0, F1. Các nhà trường đã phối hợp với cha mẹ học sinh để khắc phục khó khăn, khẩn trương ứng phó linh hoạt với dịch bệnh, hạn chế tối đa sự xáo trộn việc dạy và học.


Tự tin, thích ứng an toàn khi học sinh, sinh viên trở lại trường học trực tiếp

Sau thời gian dài học trực tuyến để phòng, chống dịch COVID-19, với việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID19" ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhất là từ ngày 14/2, học sinh, sinh viên tại nhiều địa phương, cơ sở giáo dục trong cả nước chính thức đến trường học trực tiếp trở lại.



Đề xuất