Đưa đặc sản miền núi, vùng sâu, vùng xa vào sâu hệ thống phân phối

Đưa đặc sản miền núi, vùng sâu, vùng xa vào sâu hệ thống phân phối

Là đơn vị chủ trì Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, Bộ Công Thương xác định giai đoạn 2021-2025, dựa theo Quyết định 1162/QĐ-TTg, sẽ có nhiều điểm mới; trong đó, có huy động nguồn lực để hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu đặc sản; kết nối tiêu thụ; thúc đẩy chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa khu vực miền núi, hải đảo qua sàn thương mại điện tử quốc tế...

Tuy nhiên, cần có chính sách khai thác hiệu quả yếu tố đặc trưng văn hoá, dân tộc, đặc sản vùng miền, tinh hoa sản phẩm của mỗi địa phương bởi đây là yếu tố cốt lõi để đưa các sản phẩm, nhất là những sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn kinh tế Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022 do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 5/10 tại Hà Nội.

Đưa đặc sản miền núi, vùng sâu, vùng xa vào sâu hệ thống phân phối ảnh 1 Các diễn giả thảo luận về giải pháp hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm miền núi, hải đảo. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Hình thành chuỗi cung ứng

Đánh giá cao diễn đàn sáng 5/10 là đòn bẩy tăng cường kết nối cung cầu, duy trì chuỗi cung ứng liên tục, đa dạng ở thị trường trong và ngoài nước, nâng cao khả năng thích ứng, sức chống chịu trong một thế giới đầy biến động, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: việc kết nối đưa hàng hóa là lợi thế khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo vào các kênh phân phối trên thị trường cả nước. Cùng đó, Bộ Công thương cũng cam kết phối hợp bộ, ban, ngành tổ chức cung cấp, giao thương hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại những khu vực này.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nhiều đặc sản vùng, miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sa Pa, rượu sim Phú Quốc… và còn rất nhiều các sản phẩm khác đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Những hoạt động đa dạng, phong phú, liên tục của chương trình đã và đang phát huy hiệu quả trong phát triển hệ thống chính sách, đẩy mạnh sản xuất tiêu thụ hàng hóa, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương, tăng cường năng lực cho công chức, viên chức của tỉnh, huyện, xã về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo…

Ngoài ra, chương trình còn mang ý nghĩa quan trọng trong thực hiện mục tiêu chung là thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế -xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi,vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Đưa đặc sản miền núi, vùng sâu, vùng xa vào sâu hệ thống phân phối ảnh 2 Đặc sản Cam Lâm của nhóm bạn trẻ khởi nghiệp sáng tạo ở huyện Cam Lâm không chỉ được bán qua kênh thương mại điện tử mà được xúc tiến bán hàng ở nhiều hội chợ nông sản, hàng hóa của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ ra: Mặc dù đã tạo ra những nền tảng căn bản cho phát triển thương mại miền núi và hải đảo nhưng những thách thức từ xung đột địa chính trị, từ dịch bệnh, biến đổi khí hậu ở cấp độ toàn cầu, đã tác động đáng kể đến các chuỗi cung ứng, đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ hơn.

Chính vì vậy, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động; trong đó, lên kế hoạch triển khai nhiều chương trình, đề án, gồm: Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021 - 2025; Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025.

Tại diễn đàn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Thông nhấn mạnh, 5 năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo từng bước thay đổi, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội đã được đầu tư đáng kể.

Bên cạnh đó, sản xuất một số vùng đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên từng bước, tỷ lệ hộ nghèo các vùng khó khăn đã giảm, giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội đều có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Không chỉ phát triển thương mại, Bộ Công Thương còn thực hiện nhiều Chương trình hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử,… tại khu vực này.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Thông tin tưởng rằng việc đồng hành cùng với Bộ Công Thương trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo là cách thức lan tỏa sâu rộng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Hiệu ứng lan toả

Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo các tỉnh như Điện Biên, Thanh Hóa, Đắk Lắk... bày tỏ mong muốn, Đảng, Nhà nước quan tâm và bố trí nhiều hơn nguồn lực, tạo điều kiện để đặc sản vùng miền được mở đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Cùng đó, nhiều doanh nghiệp phân phối lớn cũng chỉ ra những điểm vướng mắc trong quá trình doanh nghiệp miền núi vùng sâu vùng xa và hải đảo khi đưa hàng hóa đặc sản của Việt Nam thành hàng hóa thế mạnh và tham gia xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử toàn cầu.

Theo bà Lê Việt Nga-Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tổ chức rất nhiều các hội nghị, hội thảo quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa là lợi thế phát triển của các địa phương tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Quảng Ninh… kết nối hơn 60 doanh nghiệp với trên 80 hợp đồng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Hơn nữa, Bộ Công Thương đã phối hợp và cấp kinh phí xây dựng 2 mô hình phân phối đặc thù phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại 2 huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn huyện đảo sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của huyện đảo.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với nhiều địa phương tổ chức thành công các sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của các địa phương nhằm kết nối tiêu thụ phân phối ổn định tại siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối.

Mặt khác, phối hợp với các địa phương như Quảng Bình, Lai Châu, Sơn La tổ chức các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản có thế mạnh vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu.

Bà Lê Việt Nga cho biết thêm, nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình giai đoạn 2021-2025, từ đầu năm đến nay Bộ Công Thương đã, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế; phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo…

Để tạo hiệu ứng lan toả, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan và địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hảo đảo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.

Theo đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giao cho các đơn vị tham mưu thuộc Bộ Công Thương rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung pháp lý nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa có thế mạnh của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; nghiên cứu phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng đối với hàng hóa được sản xuất khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa của khu vực qua biên giới.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị phối hợp với các địa phương và hệ thống phân phối để tổ chức các hoạt động phân phối hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; kết nối đưa hàng hóa là lợi thế khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với các kênh phân phối trên thị trường cả nước.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nhất là ở những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; có chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực này.

Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý các địa phương hàng năm cần bố trí một phần kinh phí nhất định từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình.

Uyên Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm