Đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng

Nhóm học sinh tham quan tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Ảnh: Thu Hương - TTXVN
Nhóm học sinh tham quan tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Dù đã được cho phép hoạt động trở lại nhưng hệ thống bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh lại đang rơi vào cảnh yên ắng, vắng vẻ. Để thích nghi với tình hình dịch bệnh, nhiều bảo tàng dần đổi mới cách thức trưng bày với các công nghệ hiện đại, tương tác thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khách tham quan.

Đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng ảnh 1Khách tham quan trải nghiệm công nghệ tra cứu thông tin tại Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

“Ảo hóa” khu trưng bày

Tiên phong triển khai hoạt động này là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh khi tiến hành thử nghiệm “kho mở trực tuyến”, giới thiệu một số hiện vật chọn lọc trong bộ sưu tập của Victor Thomas Holbé.

Hoạt động này nhằm khai thác những bộ sưu tập cổ vật có giá trị đang lưu giữ tại kho của bảo tàng vì thiếu điều kiện chưa thể đem ra trưng bày phục vụ công chúng, đồng thời tạo thêm nội dung đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn cổ vật và tham quan bảo tàng của công chúng dù chỉ bằng hình thức online.

Thay vì đến bảo tàng, khách tham quan có thể truy cập vào địa chỉ của “Kho mở trực tuyến” để xem các hình ảnh cổ vật được giới thiệu kèm thông tin thuyết minh cụ thể về lai lịch bộ sưu tập, chủ sở hữu ban đầu kèm các nội dung về giá trị, tầm quan trọng và ý nghĩa của các hiện vật...

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tổ chức “Kho mở trực tuyến” phục vụ công chúng là bước thử nghiệm ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, khai thác thông tin trong kho cơ sở như một yêu cầu tất yếu khách quan của các bảo tàng hiện nay. Đồng thời qua hình thức này, ông muốn lắng nghe ý kiến từ phía công chúng để có hướng tổ chức tốt hơn việc khai thác các bộ sưu tập.

Đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng ảnh 2Nhóm học sinh tham quan tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Hiện, Bảo tàng vừa mở cửa kho giới thiệu kỳ 1 là bộ sưu tập cổ vật của Victor Thomas Holbé (1857 - 1927). Đây là một trong những bộ sưu tập hiện vật quý hiếm có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, mỹ thuật được Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh chọn lọc và tiếp tục lưu giữ nhằm phát huy giá trị bằng việc đưa ra giới thiệu tại các phòng trưng bày cố định, trưng bày chuyên đề và trưng bày lưu động ở một số bảo tàng tỉnh khu vực Nam Bộ.

Được xem như sự kết nối giữa truyền thống - hiện đại, Phòng trưng bày ứng dụng kỹ thuật hiện đại và công nghệ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ứng dụng công nghệ Hologram (ghi hình 3D) để kể những câu chuyện về hiện vật, bài học lịch sử sinh động hơn thông qua các trang thiết bị, công nghệ hỗ trợ. 

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là bảo tàng đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ Hologram. Theo đó, hình ảnh qua các máy Hologram thể hiện 3D, kết hợp phần mềm tương tác 360 độ và công nghệ thực tế ảo (VR) giúp khách tham quan có thể cảm nhận hiện vật trên hình chiếu 3D lơ lửng trong không khí và thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Trong thời gian đầu ra mắt, máy Hologram tích hợp thông tin, hình ảnh của khoảng 115 hiện vật tiêu biểu của bảo tàng.

Chia sẻ về không gian hiện đại này, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ Nguyễn Thị Hiển Linh cho hay, thông qua những ứng dụng công nghệ trưng bày, khách tham quan sẽ được tương tác nhiều hơn, đặc biệt với những công nghệ nghe nhìn hiện đại có thể thu hút được sự quan tâm của giới trẻ, những người vốn nhanh nhạy với công nghệ mới. Ứng dụng công nghệ nghe nhìn trong trưng bày cũng là một trong những giải pháp thu hút khách cho bảo tàng khi được phép hoạt động trở lại.

Để phát huy tốt nhất hiệu quả của phòng trưng bày, trong thời gian tới, Bảo tàng có kế hoạch phối hợp cùng các công ty du lịch lữ hành, các trường học trên địa bàn thành phố cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước để đưa du khách và học sinh, sinh viên đến trải nghiệm với hy vọng sẽ tạo được sự thích thú, vui vẻ cho khách khi tới tham quan trong điều kiện vẫn đảm bảo các yếu tố phòng dịch.

Lựa chọn tất yếu 

Bảo tàng vốn là một lĩnh vực khá trầm lặng, không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà cả trên thế giới nhưng công chúng vẫn luôn có nhu cầu và cũng có một lượng khách riêng đến với bảo tàng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nơi trên thế giới đầu tư vào các bảo tàng, bởi đó là nơi thể hiện nét văn hóa, lịch sử của một vùng đất hay xa hơn là cả một quốc gia.

Đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng ảnh 3Khu trưng bày áo dài của Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ được thiết kế theo hướng truyền thống xen kẽ với hiện đại. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Trong xu thế hiện nay, bảo tàng “ảo” không chỉ là giải pháp để kết nối khách tham quan, nhà nghiên cứu với bảo tàng trong tình hình ảnh hưởng bởi dịch và hạn chế đi lại, mà còn là xu hướng phát triển, để bảo tàng đến gần hơn với công chúng, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu trực tuyến.

Theo đó, những trưng bày thực tế và chuyến tham quan ảo luôn là lựa chọn song song của không ít bảo tàng trên thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách tham quan. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sự chuyển hướng sang các chuyến tham quan 360 VR tour là tất yếu để duy trì hoạt động cũng như tránh tập trung đông người.

Việc các bảo tàng trên thế giới mở cửa “online” như Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Mỹ; Bảo tàng Quốc gia không quân Mỹ; Bảo tàng Lịch sử khoa học của Đại học Oxford (Anh); Bảo tàng Hải dương học quốc gia Đức; Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh)… đã góp thêm một loại hình giải trí không kém phần hấp dẫn cho mọi người bên cạnh các chương trình giải trí trực tuyến khác.

Tại Pháp, Bảo tàng Louvre miễn phí tham quan cho du khách qua màn hình với công nghệ thực tế ảo chia thành nhiều chủ đề khác nhau tại từng khu vực như: The Advent of the Artist (Cuộc phiêu lưu của nghệ sĩ); Egyptian antiquities Galerie d’Apollon (Bộ sưu tập cổ vật Ai Cập D’Apollon) và Remains of the Louvre’s Moat (Những di tích của Louvre). Theo đó, mỗi tác phẩm đều có thông tin đầy đủ bằng tiếng Anh và hình ảnh phóng to.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang tiếp cận công nghệ “bảo tàng ảo” này, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã từng lựa chọn xu hướng tham quan “ảo” khi mở triển lãm trực tuyến “Thống nhất non sông” vào tháng 5/2020 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II Thành phố Hồ Chí Minh bằng hình thức sử dụng công nghệ tham quan ảo mô phỏng không gian triển lãm với kiến trúc giả lập tương đồng thực tế, giúp khán giả tham quan và tương tác trên mạng diện rộng, vượt mọi rào cản địa lý.

Cũng từ đó, quan niệm bảo tàng “chán và cũ” dần được thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ. Không chỉ có không gian trưng bày, thuyết minh, phim ảnh, việc ứng dụng công nghệ nghe nhìn cũng thu hút nhiều khách xem, đặc biệt, các bạn trẻ có thể tương tác nhiều hơn với các hiện vật và tự mình tìm hiểu kiến thức lịch sử tại bảo tàng.

Tham quan cùng nhóm bạn tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Nguyễn Trường Giang (25 tuổi, Quận 3) chia sẻ khi trải nghiệm các ki-ốt tương tác đặt trong không gian trưng bày, ki-ốt này vô cùng tiện lợi, thông qua màn hình ki-ốt, người xem có thể đọc thông tin và hình ảnh màu sắc rõ nét hơn đồng thời có thể chọn nhiều vị trí, chuyên đề trưng bày và chỉ cần chạm vào nơi mình cần đến, nội dung muốn xem…, các thông tin, hình ảnh, video về hiện vật sẽ được thể hiện.

Tại lầu 3 của bảo tàng, Nguyễn Lê Diệu Thảo (19 tuổi, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) thích thú khi tra cứu thông tin về hiện vật trưng bày qua mã code.

Em cho biết, thay vì chụp hình rồi đánh máy lại phần thông tin thuyết minh về các hiện vật, khi muốn tìm tài liệu cho môn học, chỉ cần quét mã code, phần nội dung hiện ra ngay trong điện thoại, làm tài liệu để chia sẻ với bạn bè cũng dễ dàng hơn. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hướng đi mới mẻ này đã tạo không ít bất ngờ, hấp dẫn với khách tham quan. Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mọi người đều hạn chế đi lại và tiếp xúc trực tiếp, việc tham quan các bảo tàng “ảo” là lựa chọn hợp lý, tiết kiệm chi phí, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, việc mở triển lãm “ảo” cũng là một cách tiếp cận gần gũi với công chúng, đi theo xu hướng chung của thế giới.

Đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng ảnh 4Khách tham quan mô hình ứng dụng công nghệ Hologram (một sản phẩm của kỹ thuật ghi hình 3D) tại Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, dưới sự phát triển của công nghệ 4.0, các bảo tàng tại thành phố đã nắm bắt xu thế kịp thời, đem tới những trải nhiệm thú vị cho khách tham quan góp phần giới thiệu văn hóa, lịch sử Nam Bộ thêm hiệu quả và rộng rãi. Đây cũng là tiền đề để thành phố quan tâm và hướng tới thực hiện ứng dụng công nghệ số ở các bào tàng khác./.

Thu Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm