Dư luận thế giới về Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII

Dư luận thế giới về Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII

* Báo "Tin tức Nhân dân" (Nga) số ra ngày 20/1 đăng bài viết nhan đề "Việt Nam khẳng định chính sách đổi mới", trong đó nêu rõ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam, bắt đầu từ ngày 20/1, sẽ tiếp tục khẳng định sự hội nhập của Việt Nam vào hệ thống kinh tế quốc tế và duy trì một "nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa" vốn đã mang lại sự tăng trưởng đáng kể cho nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này. 

Cầu Thê Húc ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Cầu Thê Húc ở Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, bài báo nhắc lại sự kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 12/1986 thông qua chính sách "Đổi mới", đánh dấu bước khởi đầu cho sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Công cuộc cải cách được triển khai từ năm 1986 đã mang đến sự tăng trưởng đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam. 

Bài báo nhấn mạnh Việt Nam đã từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu vào năm 1990, tổng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ ở mức 220 USD thì đến năm 2014, con số này đã tăng lên 2.052 USD. Dù trong hoàn cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tựu đáng kể với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2015 đạt 6,68%. Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo từ 2016-2020, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5-7%/năm. 

* Ngày 20/1, trao đổi với phóng viên TTXVN tại Argentina nhân dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam chuẩn bị chính thức khai mạc, bà Poldi Sosa (Pôn-đi Xô-xa), Chủ tịch Viện Văn hóa Argentina-Việt Nam, đã bày tỏ tình cảm đặc biệt với đất nước ta, đồng thời đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian qua. 

Theo bà Sosa, trong hơn 20 lần tới thăm Việt Nam, bà có thể cảm nhận được sự thay đổi từng ngày của đất nước ta. Bà bày tỏ khâm phục trước những thành tựu của công cuộc Đổi mới tại Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng. Bà nhấn mạnh Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào các chương trình an sinh xã hội, nhờ đó đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong công tác xóa đói giảm nghèo, lĩnh vực giáo dục và bình đẳng giới. Phụ nữ Việt Nam tham gia tích cực vào tất cả các công việc xã hội từ nông thôn tới thành thị, từ công việc đồng áng tới công tác quản lý và nghiên cứu khoa học. Bà đánh giá cao vai trò của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong công tác này. 

Qua nghiên cứu nhiều năm của mình, bà Poldi Sosa cũng khẳng định ở Việt Nam, trong khuôn khổ luật pháp, tất cả các tôn giáo cùng tồn tại và được tôn trọng. Người dân Việt Nam hoàn toàn có quyền tự do tôn giáo và quyền tự do ngôn luận. Mọi người đều có quyền đưa ra ý kiến và suy nghĩ của riêng mình. 

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 18/1, Trung tâm Quan hệ Quốc tế (CSM), một trong những trung tâm nghiên cứu chiến lược hàng đầu của Ba Lan, đã có bài bình luận với tiêu đề “Việt Nam: Chủ nghĩa xã hội với gương mặt mới”. Trong bài bình luận, Tiến sỹ Malgorzata Bonikowska (Man-gô-gia-ta) Bô-ni-cốp-xka), Chủ tịch CSM, và nhà báo Rafal Tomanski (Ra-phan Tô-man-xki) thuộc nhật báo Rzeczpospolita (Cộng hòa) đã chia sẻ với bạn đọc Ba Lan cảm nhận của họ về sự phát triển kinh tế và con người Việt Nam hiện nay. 

Nói về thành phố mang tên Bác, Tiến sỹ Malgorzata Bonikowska nhận định, sau bốn thập kỷ được giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm kinh tế lớn với tốc độ phát triển nhanh chóng. Với người dân Ba Lan, những hình dung về Việt Nam trước đây có thể gói gọn trong vở nhạc kịch nổi tiếng “Miss Saigon” (Cô gái Sài Gòn), khắc họa những tháng ngày chiến tranh bom đạn. Nhưng Sài Gòn ngày nay là một thành phố trẻ trung, năng động, hạnh phúc và đang tận hưởng những năm tháng hòa bình. Tại đây, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những cửa hiệu thời trang cao cấp hay các thương hiệu nổi tiếng hàng đầu thế giới. Từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, đời sống của người dân Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt. Bài báo dẫn lời đương kim Đại sứ Mỹ Ted Osius (Tét Ô-xi-ớt) tại Việt Nam cho rằng người dân Việt Nam có tư duy kinh doanh hàng đầu thế giới. 

Trong khi đó, ấn tượng về Đà Nẵng đọng lại trong tâm trí nhà báo Rafal Tomanski là những bãi biển dài tuyệt đẹp và cầu Hàm Rồng hiện đại bắc qua dòng sông Hàn. Những cuộc trình diễn pháo hoa quốc tế thường niên đã xóa nhòa ký ức về một thành phố từng là căn cứ quân sự và căn cứ không quân quy mô trên thế giới. Thành phố này cũng sẽ là nơi đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2017. 

Bài viết kết luận, bốn thập kỷ sau chiến tranh, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam đã từ mức khoảng 100 USD tăng lên 2.000 USD. Để tiếp tục duy trì sự phát triển và thịnh vượng, Chính phủ Việt Nam vẫn đang nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế với những hy vọng mới sau khi ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và phấn đấu để được công nhận là “nền kinh tế thị t
rường”./.

Có thể bạn quan tâm