Xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Giang đến các tỉnh miền Trung

Xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Giang đến các tỉnh miền Trung
Các doanh nghiệp hoạt động của tỉnh Hà Giang và các tỉnh miền Trung ký kết văn bản hợp tác phát triển du lịch. Ảnh: Tiên Minh - TTXVN
Các doanh nghiệp hoạt động của tỉnh Hà Giang và các tỉnh miền Trung ký kết văn bản hợp tác phát triển du lịch. Ảnh: Tiên Minh - TTXVN

Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, hội nghị này là cơ hội giới thiệu hình ảnh quê hương, con người, các giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh, các sản phẩm du lịch đặc trưng và khác biệt của tỉnh Hà Giang tới thị trường miền Trung. Đồng thời, Hội nghị góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ, hợp tác trong phát triển du lịch giữa Hà Giang và Khánh Hòa cũng như với các tỉnh khu vực miền Trung. Qua đó, các đơn vị kinh doanh du lịch tại các tỉnh, thành phố như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Phú Yên...  và Hà Giang có sự hợp tác lâu dài, bền vững trong liên kết phát triển du lịch, làm cho khoảng cách giữa Hà Giang với các tỉnh khu vực miền Trung được nối gần hơn.
         
Là tỉnh miền núi, vùng cao, nơi giao thoa tiếp giáp giữa hai vùng văn hóa Đông Bắc - Tây Bắc, đồng thời là điểm trung chuyển giữa cung đường du lịch Đông Tây Bắc, tại Hà Giang có nhiều cảnh quan tự nhiên của vùng núi đá, núi đất hùng vĩ, lịch sử văn hóa lâu đời… từ lâu đã thu hút du khách trong và ngoài nước.

Năm 2016, tỉnh Hà Giang đã ban nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển du lịch, trong đó tập trung vào một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi các tổ chức, cá nhân đầu tư vào kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch hang động. Đến nay, địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có 20 công ty, văn phòng đại diện hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, tổng số cơ sở lưu trú phục vụ du lịch là  618 (với 5.998 phòng, trên 200 nhà hàng phục vụ du lịch và 37 làng văn hóa du lịch cộng đồng.
         
Năm 2018, khách du lịch đến Hà Giang đạt trên 1.150.000 lượt, trong đó có 250.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 1.000 tỷ đồng. Du lịch Hà Giang đã được khẳng định vị trí trong bản đồ du lịch Việt Nam, là một trong 24 khu du lịch trọng điểm quốc gia, được một số tạp chí nước ngoài bình chọn là một trong những  điểm du lịch hấp dẫn nhất của Việt Nam.
         
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị lữ hành, chủ đầu tư và kinh doanh các khu du lịch, khách sạn, các nhà quản lý du lịch của các tỉnh miền Trung đã đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh về thiên nhiên và bản sắc văn hóa phong phú của Hà Giang. Tuy nhiên, Hà Giang còn nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch, như hệ thống giao thông còn nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế, cần phải đầu tư mở rộng. Nhiều đại biểu cho rằng Hà Giang cần bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa, bản sắc truyền thống của các dân tộc thiểu số anh em, đây là thế mạnh của vùng rừng núi phía Bắc. Việc xây dựng khách sạn chỉ nên tập trung tại khu vực trung tâm tỉnh, các địa điểm du lịch xa cần đầu tư theo mô hình homestay dựa vào cộng đồng; cần đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu các điểm đến trên mạng internet…
         
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Hà Giang cần phát huy tiềm năng du lịch thông qua thế mạnh về ẩm thực của cộng đồng các dân tộc thiểu số, dược liệu quý, thuốc chữa bệnh cổ truyền của đồng bào các dân tộc bản địa…
         
Tại Hội nghị, các đơn vị quản lý và kinh doanh du lịch giữa Hà Giang và các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận… đã ký kết nhiều văn bản hợp tác, liên kết để cùng phát triển du lịch bền vững, nhất là hỗ trợ dành cho tỉnh Hà Giang.
Tiên Minh 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm