Về Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long - Ngắm bức tranh sơn thủy hữu tình rộng lớn

Về Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long - Ngắm bức tranh sơn thủy hữu tình rộng lớn
Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long Nguồn ảnh: kenh14.vn
Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long Nguồn ảnh: kenh14.vn

Đa dạng hệ sinh thái

Ông Mai Văn Quyền, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư -Vân Long cho biết, Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long được quy hoạch trên diện tích 7 xã của huyện Gia Viễn, với tổng diện tích 2.736 ha, trong đó 3/4 là diện tích rừng trên núi đá; 1/4 là đất ngập nước. Hệ sinh thái trên cạn ở Vân Long gồm có rừng thứ sinh trên núi đá vôi; núi đá vôi “không” có cây; trảng cỏ và cây bụi trên núi đá vôi, rừng trồng (keo, Sưa, Lát, Thông); đất nương rẫy trồng cây mầu, cây ăn quả. Cùng với đó là hệ thống hang động trên cạn với rất nhiều hang đẹp có giá trị về du lịch và khảo cổ như: Hang Bóng, Hang Cá, Hang Tranh,…Vân Long cũng sở hữu hệ sinh thái dưới nước đa dạng, như đầm nước, ruộng lúa nước, sông suối, hang động ngầm.

Về đa dạng sinh học, nghiên cứu các loài cây sống trên núi đá vôi Vân Long, các nhà khoa học đã thống kê được 687 loài, thuộc 451 chi, 144 họ của hệ thực vật sống trên cạn,. Đặc biệt, có 8 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam: kiêng, lát hoa, Tuế lá rộng, Cốt Toái Bổi, Sắng, Bách Bộ, Mã Tiền hoa tán. Với gần 1000 ha diện tích đầm nước đã phát hiện 35 loài thực vật thủy sinh, 258 loài vi tảo. Các loài động vật thủy sinh có khoảng 108 loài thuộc 61 họ. Về động vật có 39 loài, có 12 loài động vật quý hiếm như: Voọc quần đùi trắng chiếm số lượng lớn nhất ở Việt Nam, gấu ngựa, sơn dương, cu li lớn, khỉ mặt đỏ.... trong các động vật bò sát có tới 9 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam như rắn hổ chúa, kỳ đà hoa, trăn đất, rắn ráo trâu, tắc kè...

Trong đó, loài Voọc mông trắng là một trong 25 loài đặc hữu của Thế giới và Việt Nam và đây là nơi duy nhất có thể quan sát loài này bằng mắt thường ngoài tự nhiên. Ngoài ra, Vân Long còn có các giá trị về lịch sử - văn hóa, trong đó, hang Thúi Thó là nơi có dấu tích sinh sống của người cổ thuộc nền văn hóa khảo cổ học Hòa Bình. Đặc biệt có những hình vẽ khi té nước lên mới xuất hiện.

Từ khi thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long đến nay, không chỉ bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng và đất ngập nước, mà tài nguyên rừng và đất ngập nước đã dần phục hồi và phát triển ổn định, giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, kiểm soát được nạn săn bắn, bẫy bắt chim thú. Sau 17 năm số cá thể Vọoc mông trắng đã tăng từ 40 lên đến khoảng 170 - 180 cá thể. Hệ sinh thái rừng dần được phục hồi đã góp phần phòng hộ và cải tạo môi trường tạo ra cảnh quan thu hút khách du lịch góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý đã chú trọng quan điểm gắn bảo tồn với sinh kế người dân. Vì thế, tại đây không di dời người dân ra khỏi Khu bảo tồn để người dân bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên. Hiện, khu vực Vân Long có gần 14 nghìn hộ với gần 50 nghìn nhân khẩu. Người dân ở đây chủ yếu sản xuất thuần nông, kinh tế du lịch bước đầu phát triển song không đồng đều và mới chỉ tập trung ở thôn Tập Ninh - xã Gia Vân, tiểu thủ công và các ngành nghề khác chậm phát triển nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Vẫn còn nhiều thách thức

Từ năm 1998, Vân Long được đưa vào khai thác du lịch và trở thành một vùng sơn thủy hữu tình làm ngỡ ngàng từ các nhà khoa học tới các nhiếp ảnh gia và khách du lịch. Du khách đi thuyền trên đầm Vân Long sẽ được tận mắt ngắm đàn voọc quần đùi trắng, quan sát những loài thuỷ sinh dưới làn nước, ngắm những cánh cò chấp chới trên ngọn cỏ năn, cỏ lác.

Tuy vậy, ông Mai Văn Quyền cho rằng, hiện Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Đó là phát triển ngành du lịch, thay đổi nhân khẩu học, mở rộng khu vực bảo vệ. Khu bảo tồn thiên nhiên cũng đang gặp nhiều mối đe dọa tiềm ẩn như sử dụng đất không bền vững; các hoạt động sản xuất nông nghiệp (thuốc trừ sâu,  thuốc diệt cỏ); nạn rác thải rắn ở vùng giáp ranh chưa được xử lý tập trung; khai thác quá mức các nguồn tài nguyên; du lịch không kiểm soát; nạn săn bắt, bắt bẫy và khai thác lâm sản; quy hoạch giữa các ngành chưa đồng bộ, khi lập quy hoạch thiếu tính chuyên môn, chưa minh bạch tài chính...Trong khi đó, công tác quản lý du lịch chưa được thực hiện theo Luật. Chính sách phát triển kinh tế-xã hội địa phương mâu thuẫn với công tác bảo tồn; chưa hoàn thiện công tác tổ chức theo đề án đã phê duyệt.

Ông Trần Văn Mạnh, Trạm trưởng Trạm bảo vệ số 7 Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long tại thôn Vườn Thị, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn cho biết: Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long có 10 trạm bảo vệ, thời gian qua Trạm số 7 đã tuyên truyền, giáo dục người dân không được chặt cây, phá vỡ cảnh quan môi trường, không được khai thác đá cảnh ở trong Khu bảo tồn. Bên cạnh đó, với hơn 500 lái đò đăng ký hoạt động, với yêu cầu đò phải là đò nan tre chèo tay, không được sử dụng đò máy. Những năm gần đây, Vân Long đón bình quân 4 vạn khách/năm đến tham quan và năm 2018 đã đón 50 vạn du khách. Tuy vậy, hiện giá vé thắng cảnh quá thấp, với chỉ 20.000  đồng/vé nên tổng thu từ vé thắng cảnh năm vừa qua chỉ được 10 tỷ đồng không đủ kinh phí cho bảo tồn. 

Chính vì vậy, Vụ Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp) cùng Tổ chức Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã thống nhất xây dựng đề xuất lập hồ sơ Danh lục xanh cho Khu bảo tồn Đất ngập nước Vân Long. Danh lục Xanh IUCN là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu về bảo tồn, có thể điều chỉnh phù hợp với bối cảnh địa phương của mọi quốc gia. Một cơ chế quản trị Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long đang được thiết lập với sự tham gia của Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long; chính quyền các trong khu vực; cộng đồng người dân và các tổ chức phi Chính phủ.

Để đưa Vân Long đạt được các tiêu chí của Danh lục Xanh, cần tập trung vào quản trị, thiết kế và lập kế hoạch khai thác du lịch và sinh kế cho người dân địa phương một cách hiệu quả và giảm việc xâm hại tài nguyên thiên nhiên, giúp bảo tồn khu vực này đạt kết quả tốt nhất.
Lý Thị Thanh Hương

Có thể bạn quan tâm