Tỉnh Vĩnh Phúc mở hướng phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch

Tỉnh Vĩnh Phúc mở hướng phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch
Xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) nổi tiếng với làng nghề nuôi rắn từ lâu đời. Toàn xã hiện có 700 hộ nuôi rắn, chiếm gần 80% tổng số hộ dân trong xã. Thị trường tiêu thụ rắn Vĩnh Sơn là nhà hàng, quán ăn đặc sản ở các đô thị trong cả nước... Mỗi năm, làng nghề này xuất ra thị trường trên 200.000 tấn rắn thịt. Tính cả rắn thực phẩm, rượu rắn, mỗi năm tổng thu nhập từ ngành này khoảng 150 tỷ đồng, chiếm 70-75% tổng doanh thu toàn xã. 

Không chỉ giỏi trong chăn nuôi, người dân Vĩnh Sơn còn hướng tới việc cùng nhau phát triển làng nghề rắn thành một điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. 

Xuất phát từ thực tế đó, chính quyền xã Vĩnh Sơn đã phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Phúc mở các lớp đào tạo ngắn hạn hướng dẫn viên du lịch cho người dân tại làng nghề. Các lớp đào tạo ngắn hạn này đã thu hút hàng trăm học viên tham gia. Tham gia lớp học, các học viên được trang bị kiến thức cơ bản về cách thức làm du lịch; trực tiếp thực hành hướng dẫn viên du lịch tại chính những địa điểm của địa phương. 

Giá trị độc đáo của sản phẩm làng nghề rắn xã Vĩnh Sơn là kết tinh truyền từ nhiều đời săn bắt và thuần dưỡng rắn của cư dân châu thổ sông Hồng. Ảnh:Nguồn vinhphuc.gov.vn
Giá trị độc đáo của sản phẩm làng nghề rắn xã Vĩnh Sơn là kết tinh truyền từ nhiều đời săn bắt và thuần dưỡng rắn của cư dân châu thổ sông Hồng. Ảnh:Nguồn vinhphuc.gov.vn

Ông Hà Hồng Quảng, Chủ tịch Hội làng nghề rắn xã Vĩnh Sơn cho biết: Để quảng bá hình ảnh về con người và làng nghề rắn Vĩnh Sơn ra bên ngoài nhưng người dân Vĩnh Sơn chưa có kỹ năng, phương pháp. Vì vậy, các lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn về hướng dẫn viên du lịch làng nghề sẽ giúp nâng cao trình độ, nhận thức cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập của người dân... 

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Dự án xây dựng vùng Vĩnh Sơn thành “Làng nghề chăn nuôi rắn-du lịch-dịch vụ”. Đây là cơ hội để Vĩnh Sơn phát triển thành điểm du lịch hấp dẫn du khách với những nét đặc trưng riêng không phải làng nghề nào cũng có được. Chính vì vậy, việc tận dụng nguồn lao động làng nghề và đào tạo họ trở thành những hướng dẫn viên thực thụ sẽ đem lại hiệu quả lớn trong phát triển du lịch. 

Thực tế cho thấy, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch sẽ giúp du khách có nhiều điểm đến và trải nghiệm thú vị, hấp dẫn. Phát triển du lịch làng nghề không những làm phong phú thêm loại hình du lịch ở địa phương mà còn làm cho những sản phẩm thủ công truyền thống trở thành vật lưu niệm, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề, thúc đẩy làng nghề phát triển. 

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 77 làng nghề, trong đó 19 làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Làng gốm Hương Canh, mây tre đan Triệu Đề, đá Hải Lựu, mộc Bích Chu, mộc Yên Lạc, rèn Lý Nhân, rắn Vĩnh Sơn…Các làng nghề này có thể gắn phát triển làng nghề truyền thống với du lịch. 

Tuy nhiên, trong những quy hoạch trước đây hay tại chương trình khảo sát mới nhất của ngành Văn hóa - Thể Thao và Du lịch Vĩnh Phúc, việc tổ chức tour du lịch đến với các làng nghề này chưa thể thực hiện. 

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các làng nghề khôi phục và phát triển. Điển hình như, Dự án xây dựng vùng Vĩnh Sơn thành “Làng nghề chăn nuôi rắn-du lịch- dịch vụ” đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng; Dự án xây dựng cụm làng nghề Thanh Lãng với diện tích 8,2 ha...Tuy nhiên, đến nay, sau thời gian dài được cấp có thẩm quyền phê duyệt, những dự án này vẫn chưa thể xây dựng và các làng nghề truyền thống vẫn tồn tại, phát triển theo kiểu tự phát là chính. 

Ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc cho biết: Các làng nghề truyền thống của Vĩnh Phúc hiện đang thiếu nhiều yếu tố về cơ sở hạ tầng, nơi giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm, hướng dẫn viên… để có thể thu hút được du khách tham quan và trải nghiệm. Bên cạnh đó, sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch chưa cao, bởi họ chưa nhận thức được giá trị đem lại. 

Cũng theo ông Dương, để du lịch làng nghề thực sự thu hút khách tham quan, người dân tại các làng nghề cần có kỹ năng cần thiết để vừa phát huy nghề truyền thống vừa giữ vai trò hướng dẫn viên du lịch nhằm quảng bá hình ảnh của địa phương mình. 

Một làng nghề được coi là phát triển du lịch khi thu nhập từ du lịch ít nhất chiếm 25% thu nhập của làng nghề, hiện nay chưa có làng nghề nào ở Vĩnh Phúc làm được điều này. Ngoài sự định hướng, quy hoạch của chính quyền địa phương, rất cần sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư tại làng nghề vào quá trình hoạt động du lịch để hình ảnh con người, làng nghề Vĩnh Phúc đến với đông đảo du khách trong, ngoài nước.
Nguyễn Thị Thảo 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm