Quyến rũ như biển Phú Yên

Quyến rũ như biển Phú Yên
Lâu nay, đa số du khách đến miền Trung chỉ lướt qua Phú Yên, chứ không dừng lại để chiêm ngưỡng bởi vùng đất này chưa được khai thác du lịch hiệu quả. Người ta chỉ loáng thoáng biết rằng, ở đó có gành Đá Dĩa, có nhà thờ Mằng Lăng. Nhưng nay thì khác. Khi Vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan được vinh danh là danh thắng cấp Quốc gia năm 2011, Phú Yên được biết đến nhiều hơn. Vùng đất nằm giữa hai đèo lớn là Cổ Mã và Cù Mông này trở thành điểm đến của nhiều du khách. Trên một số trang mạng của cộng đồng du lịch, với vẻ đẹp quyến rũ của biển, xứ Nẫu trở thành điểm phải đến trong mùa hè 2016.

 
Mũi Vũng La ở Phú Yên.


Cư dân Phú Yên sống dọc theo bờ biển chạy dài hàng trăm cây số. Dù vậy, nơi đây vẫn còn những bãi biển vô cùng hoang sơ và xinh đẹp. Có những bãi biển nhỏ và kín đáo. Cũng có những bãi biển kéo dài đến vài cây số. Lại có những biển chỉ cách nhau những vách đá dựng đứng rồi tiếp tục chạy dài miên man. Bãi biển nào cũng cát vàng mịn màng. Trong đó, thu hút nhất vẫn là Bãi Xép bởi đây là phân cảnh đẹp trong một bộ phim ăn khách gần đây- "Hoa vàng trên cỏ xanh". Tuy nhiên, với cộng đồng du lịch bụi, bãi biển đẹp của Phú Yên phải kể đến hai bãi phía Nam là bãi Môn, bãi Gốc và hai bãi phía Bắc là bãi Ôm, bãi Từ Nham. Những bãi biển này thuần khiết tự nhiên và chưa hề có dịch vụ du lịch nào ngoài những quán ăn phục vụ khách địa phương tới đây vui chơi, tắm biển vào cuối tuần và các ngày lễ, Tết.

Nằm dưới chân cột mốc Cực Đông của Việt Nam, bãi Môn nằm sâu hun hút giữa hai vách núi. Xe không tới nơi được, du khách phải đi bộ khoảng gần một cây số hoặc đi tắt hướng từ hải đăng Đại Lãnh xuống. Từ trên cao, bãi Môn có hình cánh cung mà hai dãy núi từ đèo Cổ Mã vươn ra như hai cánh tay ôm lấy bãi biển. Dù vậy, bãi vẫn đầy sóng, thậm chí cả những con sóng cao. Du khách đến đây có thể tắm biển, câu cá và đặc biệt là "check in" tại điểm Cực Đông của Tổ quốc. Bãi Môn cát mịn màng. Trên bãi có những gò đồi thấp như một sa mạc thu nhỏ nối tiếp rừng với biển. Dọc theo chân mũi Đại Lãnh, có một dòng suối nước chảy quanh năm, đổ ra bãi Môn cho nước ngọt trong lành. Bởi thế, bãi biển này thường được chọn làm điểm cắm trại của dân phượt. Đi theo cung đường ven biển từ bãi Môn ra hướng Tuy Hòa gần 10 cây số là bãi Gốc nằm dưới chân đèo chạy dài miên man. Bãi biển này chỉ thích hợp cho vui chơi buổi sáng hoặc chiều vì không có nhiều bóng mát. Ở cuối bãi, về hướng Bắc, có một rặng phi lao vi vu trong gió. Khu vực này có hai quán ăn phục vụ du khách các món hải sản tự đánh bắt và mua trực tiếp từ ghe nên tươi ngon và giá khá mềm so với tại trung tâm thành phố Tuy Hòa hay các khu du lịch khác.


Ghềnh đá đĩa là một cảnh đẹp tự nhiên nổi tiếng ở huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên). Ghềnh gồm những khối đá lớn hình lục giác, ngũ giác.., gắn chặt với nhau, hình thành một tổng thể vững chắc với chiều rộng khoảng 50 m và trài dải hơn 200m. Theo nhận định của các chuyên gia, khu ghềnh đặc biệt này có khả năng được hình thành do núi lửa tuôn nham thạch, gặp nước biển lạnh đông cứng lại và bị rạn nứt đa chiều, tạo nên một cảnh quan kỳ thú. Ghềnh đá đĩa đã được xếp hạng danh thắng quốc gia năm 1998. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Ghềnh đá đĩa là một cảnh đẹp tự nhiên nổi tiếng ở huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên). Ghềnh gồm những khối đá lớn hình lục giác, ngũ giác.., gắn chặt với nhau, hình thành một tổng thể vững chắc với chiều rộng khoảng 50 m và trài dải hơn 200m. Theo nhận định của các chuyên gia, khu ghềnh đặc biệt này có khả năng được hình thành do núi lửa tuôn nham thạch, gặp nước biển lạnh đông cứng lại và bị rạn nứt đa chiều, tạo nên một cảnh quan kỳ thú. Ghềnh đá đĩa đã được xếp hạng danh thắng quốc gia năm 1998. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Ở phía Bắc tỉnh Phú Yên là đèo Cù Mông- ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Ở một nhánh vươn ra biển của đèo là mũi Vũng La chạy vòng tròn khoảng 40 cây số. Qua khỏi thôn Vũng La là bãi Ôm đúng nghĩa hoang sơ. Ngày thường, du khách có thể tắm biển, thư giãn trên bãi biển này hàng giờ không một bóng người. Bãi cách khu dân cư chừng vài trăm mét. Cũng như bãi Môn, bãi Ôm được ngăn cách bởi hai vách núi tạo vùng biển yên bình. Do bãi thoải và chạy dài ra xa nên tàu bè của ngư dân không neo đậu ở đây, biển rất sạch sẽ. Nước trong vắt, có thể nhìn thấy đáy dù ra xa bờ vài chục mét. Cách đó chỉ vài bước chân là một bãi biển hoàn toàn khác. Đó là bãi Rạn, đáy biển đầy san hô dù mực nước nông, có rạn nằm cách mặt nước chừng một vài tấc. Khi thủy triều xuống, một mảng lớn rạn san hô lộ thiên khỏi mặt nước. Ở mũi Vũng La, đẹp nhất có lẽ là bãi Từ Nham- một bãi biển dài mà muốn tiếp cận phải băng qua rừng phi lao mọc khan trên cát trắng. Cuối bãi là thôn Từ Nham dân cư đông đúc, chủ yếu sống bằng nghề biển. Bãi biển từ đây chạy dọc về phía Bắc đèo Cù Mông trên 10 cây số. Vì thế, trên đường đi, du khách có thể rẽ xuống biển bất kỳ lúc nào vì suốt con đường này đâu cũng ra bãi Từ Nham. Khác biệt với các bãi biển khác của Phú Yên chỉ toàn cát vàng, Từ Nham lại có cát trắng. Gần biển là những đồi cát trắng cao vút như những đỉnh núi tuyết trắng xóa. Cái hay của Phú Yên là du khách cứ dừng xe vào rừng phi lao rồi bỏ cả hành lý trên đó để xuống biển mà không sợ mất gì.

Chưa hết, Phú Yên còn có những hòn đảo nhỏ mà dân gọi là cù lao, chỉ cách bờ chừng vài mươi phút đi tàu. Một số đảo gần như không có dân cư. Thế nên, đến Phú Yên, ai cũng tranh thủ thăm thú một vài hòn đảo để khám phá và tận hưởng cảm giác làm "chúa đảo".
 
Báo điện tử Cần Thơ

Có thể bạn quan tâm