Quảng Nam định hình nền du lịch chất lượng cao

Quảng Nam định hình nền du lịch chất lượng cao
Toàn cảnh thành phố Hội An. Ảnh: TTXVN
Toàn cảnh thành phố Hội An. Ảnh: TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân chia sẻ: Năm 2019 tiếp tục đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ trong thu hút khách quốc tế khi Quảng Nam đón hơn 4,6 triệu lượt khách. Qua thống kê, 10 thị trường khách quốc tế đến Quảng Nam theo thứ tự gồm: Hàn Quốc, Australia, Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia và Đài Loan. Thị trường khách Hàn Quốc chiếm tỷ lệ vượt trội ở cả lượng khách tham quan và khách lưu trú. Tuy nhiên, lượt lưu trú của dòng khách truyền thống đến từ châu Âu đang có dấu hiệu sụt giảm. Du khách Hà Lan và Tây Ban Nha trong năm 2019 không còn nằm trong 10 thị trường khách lưu trú trọng điểm của du lịch Quảng Nam và thay vào đó là Malaysia và Đài Loan. Điều này cho thấy xu hướng chuyển dịch cơ cấu dòng khách truyền thống châu Âu lâu nay sang châu Á biểu hiện rõ nét hơn.

Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh cho biết: Với phương châm “Chất lượng sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng nhất” để thu hút du khách, ngành Du lịch Quảng Nam xác định phát triển du lịch dựa trên các giá trị lịch sử, văn hóa, sinh thái đặc sắc là vừa bảo tồn và phát huy nét văn hóa, thiên nhiên độc đáo của xứ Quảng. Năm 2020, ngành Du lịch Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch sinh thái trên địa bàn với định hướng là tiếp tục đa dạng các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch; đồng thời, triển khai các dự án lớn, tạo sự liên kết vùng và phát triển cân bằng giữa vùng Đông và vùng Tây, đẩy mạnh phát triển du lịch phía Nam; tăng cường lồng ghép trong phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo ra mối liên kết giữa du lịch sinh thái và du lịch văn hóa.

Ông Trần Lực - Phó Giám đốc Saigontourist Chi nhánh Đà Nẵng đề xuất: Trong phát triển du lịch, Quảng Nam không nên phân biệt khách du lịch đến từ thị trường nào nhưng phải chú trọng đến thị trường khách du lịch có chất lượng như khách đến từ thị trường Châu Âu.

Theo ông Trần Lực, xây dựng được sản phẩm du lịch có chất lượng đã khó, song giữ gìn và phát huy bền vững những sản phẩm du lịch có chất lượng càng khó hơn. Do đó, để giữ được chất lượng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, nhất là khách đến từ thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, các gói dịch vụ như hạ tầng, giao thông, nguồn nhân lực, dịch vụ lưu trú, ẩm thực có vai trò đặc biệt quan trọng.

Đồng ý với quan điểm trên, bà Phạm Thị Hồng Trang - Tập đoàn Thiên Minh khu vực miền Trung phân tích: Thị trường khách du lịch miền Trung đang có biến chuyển mạnh. Khách du lịch châu Á tăng, trong khi khách Châu Âu sụt giảm. Do đó, ngành Du lịch Quảng Nam cần có những định hướng để cân bằng lượng khách đến từ hai thị trường lớn này. Trước mắt cũng như lâu dài, Quảng Nam cần có cả những sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách châu Á và khách châu Âu một cách bền vững. Đây chính là yếu tố quan trọng để hướng đến nền du lịch có chất lượng cao.

Để hướng đến nền du lịch có chất lượng cao và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Quảng Nam có nhiều quyết sách, nhiều ưu đãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm hoàn thiện mạng lưới hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, phát triển các sản phẩm du lịch có hàm lượng văn hóa cao, đưa du lịch phát triển bền vững. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhấn mạnh: Quảng Nam sẽ tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch mới, mở rộng thêm không gian du lịch và liên kết các điểm đến trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc quảng bá xúc tiến nhằm thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, ngành Du lịch tăng cường công tác liên kết các điểm đến du lịch. Đây là một lựa chọn có tính chiến lược nhằm mở rộng biên độ du lịch, lan tỏa điểm đến trên khắp địa bàn tỉnh, san sẻ gánh nặng “áp lực di sản” tại Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, phát triển du lịch bền vững.

Đoàn Hữu Trung

Có thể bạn quan tâm