Phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Cơ hội phát triển
Trong hơn 20 năm qua, số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến Thành phố Hồ Chí Minh đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, năm 1993, khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh là 519.000 lượt, đến năm 2017 đã đạt gần 6,4 triệu lượt. Trong 6 tháng đầu năm 2018, lượng khách quốc tế đạt 3,8 triệu lượt, dự báo đến hết năm 2018, lượng khách quốc tế đạt khoảng 7,5 triệu lượt. Như vậy, chỉ trong 25 năm, lượng khách quốc tế tăng hơn 14 lần, chiếm khoảng 50% lượng khách quốc tế đến cả nước.
Du khách quốc tế tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Bưu điện Thành phố. Ảnh: An Hiếu – TTXVN
Du khách quốc tế tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Bưu điện Thành phố. Ảnh: An Hiếu – TTXVN
Trong thời gian 1997 - 2017, tổng doanh thu du lịch đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng với hơn 40 lần. Năm 1997, du lịch thành phố đạt 2.887 tỷ đồng, đến năm 2017 đạt 115.978 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp từ doanh thu toàn ngành Du lịch trong cơ cấu GRDP của thành phố hiện chiếm khoảng 11%.
 
Không chỉ dừng lại ở những con số “biết nói”, du lịch thành phố ngày càng khẳng định sự hấp dẫn và sôi động khi liên tục tổ chức các chuỗi sự kiện du lịch theo từng tháng như: Ngày hội Du lịch thành phố, Liên hoan Ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội thời trang… Qua đó, đưa vị trí của ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được khẳng định trong bản đồ du lịch khu vực và thế giới như: Top 20 thành phố có mức tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới (theo Mastercard công bố năm 2016), Top 10 điểm đến châu Á tuyệt vời (theo Lonely Planet công bố trong năm 2018)…
 
Những năm gần đây, bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 thúc đẩy phát triển trên tất cả mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ số, tạo ra nhiều cơ hội trong việc đưa khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
 
Cuối năm 2017, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố Đề án Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025. Đề án thực hiện 4 mục tiêu tổng quát là đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế bền vững hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.
 
Từ đề án này, nhiều chuyên gia du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, đây là định hướng chính sách phù hợp với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 của thế giới, góp phần tăng năng lực cạnh tranh, sức hút hấp dẫn của thành phố, đồng thời, mở ra thêm nhiều cơ hội để ngành du lịch thành phố thụ hưởng những thành quả từ đề án này.
 
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, việc tiếp cận và phát triển công nghệ số dễ dàng sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho ngành Du lịch trong việc tuyên truyền, phổ biến thông tin du lịch cũng như phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, thống kê.
 
Thêm vào đó, khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me đưa thông tin có đến 88% khách du lịch tra cứu thông tin hành trình trên các thiết bị công nghệ số và phần lớn trong đó là độ tuổi thanh niên. Vì vậy, không thể phủ nhận chính công nghệ số đã ngày càng trở thành cầu nối tương tác giữa dịch vụ với nhu cầu của du khách.
 
Ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận định, công nghệ số và tiếp thị số sẽ giúp truyền tải thông tin đến người dân, du khách, doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả hơn. Cùng với đó, các hoạt động, sự kiện du lịch của thành phố sẽ có sức lan tỏa sâu rộng và kịp thời, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
 
Mặt khác, một trong những lợi thế lớn của du lịch thành phố hiện nay là đang sở hữu gần 1.400 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực lữ hành (bao gồm doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp lữ hành quốc tế). Các doanh nghiệp lữ hành của thành phố tiếp tục khẳng định được uy tín, thương hiệu trong nước và quốc tế, thường xuyên chiếm 50% trong top 10 doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Việt Nam.
 
Đối với doanh nghiệp du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi hoàn toàn hình thức kinh doanh truyền thống, nâng cao tính cạnh tranh và mở ra cơ hội quảng bá hình ảnh, thông tin du lịch sâu và rộng hơn. Một số doanh nghiệp lữ hành như Saigontourist, Vietravel, Benthanhtourist… đã số hóa dữ liệu, ứng dụng công nghệ và nâng cấp các phần mềm điều hành tour, thanh toán điện tử và xây dựng các kênh xã hội tương tác trực tiếp với khách hàng.
 
Đại diện Tổng Công ty Du lịch Saigontourist chia sẻ về mô hình Smart Tourism – Giải pháp du lịch thông minh (mô hình cùng hợp tác cùng với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT). Mô hình này sẽ mang lại cho khách hàng những sản phẩm dịch vụ du lịch phù hợp với xu hướng thời đại công nghiệp số hiện nay. Smart Tourism bao gồm các dịch vụ, phần mềm, giải pháp, thiết bị công nghệ và kỹ thuật số trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng, lữ hành, khu vui chơi… hứa hẹn là mô hình kinh doanh hiệu quả, phù hợp với tốc độ phát triển công nghệ hiện nay.
 
Chủ động và nhạy bén
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin sẽ là công cụ hữu hiệu phục vụ cho 3 nhóm đối tượng chính trong ngành Du lịch: Người quản lý du lịch, nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ du lịch, người du lịch.
 
Vì vậy, trên tinh thần chủ động tiếp cận và ứng dụng công nghệ số phục vụ lĩnh vực du lịch hiệu quả, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công ty Phát triển và đầu tư công nghệ (FPT) hoàn tất chức năng thanh toán trực tuyến và chức năng  báo cáo trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Sở Du lịch.
 
Bên cạnh đó, ngành Du lịch thành phố ký kết với phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT tại Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành. Hai bên cùng xây dựng cổng thông tin du lịch thông minh, mô hình du lịch thông minh, điểm du lịch thông minh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch điện tử (e - marketing)….
 
Trước những chuyển động tích cực, sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của cấp quản lý Nhà nước lĩnh vực du lịch, ở góc độ nghiên cứu, Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ngành Du lịch thành phố cần định hướng chiến lược thương hiệu và truyền thông trong thời kỳ công nghệ số.
 
Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy chia sẻ, cơ quan quản lý Nhà nước cần xác định rõ vai trò nhạc trưởng dẫn dắt và tạo ra xu hướng, cần đảm bảo tính đồng bộ từ sản phẩm đến hình ảnh truyền thông và thống nhất với bản sắc và các giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch thành phố. Đồng thời, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn phục vụ phân tích tâm lý và hành vi của du khách, thị trường du lịch để xây dựng chiến lược sản phẩm và truyền thông phù hợp nhất; từ đó nghiên cứu cơ chế để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tham gia một cách tích cực và hiệu quả.
 
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2018 là giai đoạn đầu để phát triển du lịch thông minh tại thành phố. Do vậy, ngành Du lịch thành phố tiếp tục triển khai mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ, phối hợp với doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến du lịch để đáp ứng nhu cầu và xu hướng du lịch mới của du khách trong nước và quốc tế. /.
Gia Thuận
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm